Chủ tịch Hà Tĩnh: DN khó nói hãy nhắn tin, tôi sẽ giữ bí mật!
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu như vậy trong buổi đối thoại với DN 2016 diễn ra ngày 13/8.
Bà Thân Thị Nghị cho biết, hiện ngành du lịch biển quá khốn đốn sau sự cố môi trường biển (ảnh: T.Hoa) |
Cứ cởi mở, mới dễ dàng tháo gỡ khó khăn?
Ngày 13/8, tỉnh Hà Tĩnh diễn ra buổi gặp mặt Chủ tịch UBND tỉnh ông Đặng Quốc Khánh với doanh nghiệp. Tham dự hội nghị có ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh cùng một số lãnh đạo các sở, ban ngành và hơn 200 DN nghiệp đóng trên địa bàn.
Đây là buổi đối thoại công khai, rộng rãi. Có thể nói là cởi mở và thẳng thắn. Cái mà DN lâu nay ‘’bức bối’’ về vốn, thủ tục hành chính... hôm nay họ đã thoải mái nói ra, thẳng thắn chuyển các vấn đề vướng mắc đến Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh. Hơn 200 DN mong muốn những ý kiến, nguyện vọng đề xuất tới lãnh đạo sẽ được ghi nhận và giải quyết chứ không phải DN nói, lãnh đạo lắng nghe rồi ‘’gác’’ đó.
Buổi đối thoại với DN có thể nói là một bước đệm tốt, tạo niềm tin cho DN bước vào đầu tư trong thời gian tới.
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (giữa) thẳng thắn nói, nếu ai gây nhiễu với DN thì DN hãy nhắn tin cho tôi (ảnh: T.Hoa) |
Một thực tế, Hà Tĩnh có trên 5.000 DN lớn, nhỏ, đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trước sự cố môi trường biển. Nhằm tháo gỡ những khó khăn đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Buổi đối thoại phải thẳng thắn, cởi mở. Lúc đó mới biết chỗ nào vướng mắc mà tháo gỡ. Bất cứ đơn vị nào tố giác ban ngành gây phiền hà cho DN thì sẽ được khen thưởng.
"Lâu nay, mấy ông chủ tịch huyện cứ kêu ca cơ sở không có DN hoạt động. Vậy mà mấy ông cứ làm khó họ là sao? Muốn thu hút đầu tư thì bản thân chúng ta phải cởi mở. Vướng ở đâu tháo gỡ chỗ đó. Nếu khó nói DN hãy nhắn tin vào máy tôi, tôi sẽ giữ bí mật số máy", Chủ tịch Hà Tĩnh cam kết.
Ông Đặng Quốc Khánh tiếp tục: "Tôi cũng nói rõ luôn, đối với Chủ tịch các huyện, là ‘’quan’’ địa phương đi cơ sở, tiếp cận người dân nhiều, chắc sẽ nắm rõ nguyện vọng của dân, của DN. Bản thân các ông phải là người chịu sào, quyết định ‘’sân chơi’’ cho DN nên có những vướng mắc nào thẳng thắn đề xuất. Nói nhiều mà không xử lý, không làm là không có được".
Rồi ông Khánh lấy ví dụ: Tôi còn nhớ, có một DN xin vào đầu tư gạch không nung nhưng khi xin giấy phép các ngành, địa phương không đồng ý. Anh này đã gọi điện cho tôi trình bày, thấy ý tưởng hay, đầu tư tốt, không chần chừ, tôi đồng ý luôn.
Khi nói đến khó khăn trong vốn đầu tư, ông Khánh lấy tiếp ví dụ, "tại huyện Đức Thọ, có một DN đầu tư vào chăn nuôi, hệ thống xây dựng chuồng trại đã xong, vướng cái là hết tiền không có để mua con giống. Chạy hết ngân hàng này, ngân hàng nọ chả ai cho vay. Anh ta gọi điện cho tôi, tôi gọi điện cho bà Giám đốc ngân hàng chính sách huyện xuống trực tiếp xem dự án. Bà giám đốc thừa nhận, đúng là hệ thống chuồng trại của họ quá chuẩn, quy mô và hiện đại. Bà quyết cho DN này vay luôn 10 tỷ đồng’’.
Đừng để tham nhũng chính sách "hành’’ DN?
Rõ ràng, Hà Tĩnh có tới hơn 5.000 DN nhưng không phải DN nào cũng đi vào hoạt động thường xuyên. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội DN Hương Khê phát biểu: Các sở, ban, ngành nên có những cái đồng bộ thống nhất về mặt quản lý, nhất về thu chi thuế. Nếu DN nào mà một thời gian dài không hoạt động, sản xuất thì cái này cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét. Đừng để tình trạng, một DN lập ra đó, 2 năm mới có một dự án, làm xong rồi lại nghỉ. Cái đó là để tạo sự thuận lợi, DN vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhà nước có ngân sách để thu về.
Khi nói đến vấn nạn tham nhũng, ông Đạt thẳng thắn chia sẻ, ‘’con sâu’’ đục khoét DN bây giờ là ‘’tham nhũng chính sách’’. Những văn bản nào đã cũ nên loại bỏ ngay, chứ không để cho cấp dưới lợi dụng văn bản cũ để ‘’hành’’ DN. Họ áp dụng quyết định, nghị định ban hành cũ nói rằng, đây là quyết định của tỉnh, của lãnh đạo tỉnh để gây sức ép cho DN. Như thế chả khác hãm bước đi, giết chết DN. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát lại về các thủ tục hành chính.
Ông Trần Phát Đạt kiến nghịvăn bản nào đã cũ nên loại bỏ ngay, chứ không để cho cấp dưới lợi dụng văn bản cũ để ‘’hành’’ DN (ảnh: T.Hoa) |
Chúng ta lúc nào cũng nói, kêu gọi doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Vậy mà vô hình chính các thủ tục hành chính phiền hà, phức tạp lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Giữa bộ máy quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải tạo được sự đồng điệu. Đừng để sự cồng kềnh của bộ máy nhà nước, tham nhũng chính sách gây khó khăn cho sự phát triển của kinh tế trong tỉnh – ông Đạt nói.
Ông Lý Ngân, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, có nhiều sở ban ngành gây khó khăn, và nhũng nhiễu DN. Ông đặt câu hỏi nên chăng thành lập tổ giám sát của tỉnh đối với các cơ quan ban ngành nào gây phiền hà cho DN.
Ông Ngân cho biết: Không tiện nói đích danh sở nào nhũng nhiễu nhưng khẳng định rằng hầu như sở nào cũng có tình trạng này.
Sự cố Formosa khiến ngành du lịch quá khổ
Sự cố môi trường biển thời gian qua ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. DN chịu sức ép rất lớn, đặc biệt là DN kinh doanh dịch vụ du lịch, thủy hải sản.
Bà Thân Thị Nghị, GĐ khách sạn Thiên Ý, Khu du lịch Thiên Cầm thẳng thắn đề nghị, muốn chính quyền trả lời sớm nhất độ an toàn về biển và hải sản.
Bà Nghị nói, mỗi ngày du khách đến biển Thiên Cầm họ đều hỏi tôi, ‘’Biển tắm lúc này có an toàn, ăn hải sản ở đây có an toàn không?’’.
‘’Chúng tôi ngành du lịch quá khốn đốn. Biển du lịch mà khó khăn ngay giữa mùa hè. Đề nghị, khoản đền bù do Formosa chi trả về sự cố môi trường cũng cần được xem xét để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn... trong thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố’’ – Bà Nghị ý kiến.
Bà Thân Thị Nghị cho biết, sau sự cố môi trường biển, ngành du lịch biển địa phương quá khó khăn (ảnh: T.Hoa) |
Ông Nguyễn Văn Thiệu – Hiệp hội du lịch Hà Tĩnh cho biết, hiện trên 2,6 nghìn lao động trong ngành du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng và thất nghiệp. Các tour, phòng đặt nghỉ lễ bị hủy bỏ từ 70 – 80%. Tại huyện Kỳ Anh, khách đặt phòng nghỉ mùa hè chỉ đạt 30% so với cùng kì năm trước. Tổng thiệt hại của ngành du lịch trong thời gian qua khoảng 6 tỉ đồng.
“Lượng khách du lịch giảm mạnh khiến 1.200 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hơn 3.000 lao động gián tiếp không có việc làm, cuộc sống hết sức khó khăn” – ông Thiệu nói.
Đồng quan điểm, đại diện công ty Xuất nhập khẩu Nam Hà Tĩnh cũng cho hay, suốt 4 tháng nay công ty hoạt động cầm chừng, ngư dân không ra khơi dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu, hàng trăm công nhân không có việc.
“Ngư dân đánh bắt cá về không ai mua, tỉnh khuyến khích chúng tôi hỗ trợ người dân thu mua, khi thu mua xong rồi thì không biết làm thế nào, bán không được, tiêu hủy cũng không xong, cá chứa trong kho mấy tháng nay cũng chẳng thấy các cấp cho ý kiến xử lý” – đại diện công ty Xuất nhập khẩu nam Hà Tĩnh nói.
Sau khi lắng nghe ý kiến DN, Chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh nói: "Tôi thấy những gì anh Đạt nói là đúng với thực tế DN hiện nay đang phải chịu. Nếu DN nào cảm thấy không đủ năng lực thì nên nghỉ. Việc DN "ma" cứ hình thành đồng loạt tại địa phương, yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại mà báo cáo tôi sớm. Ngoài ra thủ tục hành chính nếu những bước nào không cần thiết thì nên cắt giảm. Giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải có sự thấu hiểu, mục đích để phát triển kinh tế-xã hội".
Về các DN bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, ông Khánh khẳng định "các chính sách ưu đãi sau sự cố môi trường đối với ngành du lịch, cái này tỉnh sẽ xem xét lại và đề nghị ra Trung ương. Chúng ta phải bắt tay vào làm liền".