Chủ tịch Hà Nội quyết định dừng chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh
Đang trực tuyến: UBND TP. Hà Nội họp báo về chương trình chặt hạ, thay thế cây xanh
Hà Nội quyết định dừng chặt hạ thay thế cây xanh trên địa bàn (Ảnh zing) |
Ngày 20/3, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố. Cùng dự, có các Phó Chủ tịch UBND Thành phố và Giám đốc Sở Xây dựng.
Sau khi nghe Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua, ý kiến của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo kết luận như sau:
Cây xanh đô thị có ý nghĩa đặc biệt đối với Thủ đô, ngay sau khi Quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt, UBND Thành phố đã lập Quy hoạch hệ thống công viên cây xanh Thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trình HĐND Thành phố quyết nghị thông qua. Nhiều vườn hoa, công viên, cây xanh được tu bổ, đầu tư xây dựng mới.
Thực hiện Quy hoạch và chương trình chỉnh trang đô thị, Sở Xây dựng đã lập Đề án cải tạo, bổ sung và trồng thay thế cây xanh đô thị trên một số tuyến phố. Trong đó đã tổng hợp, đánh giá xác định và phân loại những cây phải thay thế; lên kế hoạch, lộ trình thực hiện trong thời gian 3 năm.
Từ tháng 11 năm 2014 đến nay, Sở Xây dựng đã và đang triển khai việc thay thế hơn 500 cây xanh trên 7 tuyến phố, nguồn kinh phí do các tổ chức và cá nhân tài trợ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện do công tác thông tin không kịp thời, đầy đủ, các đơn vị thực hiện hạ chuyển và thay thế hàng loạt cây trên một số tuyến phố, công luận, dư luận phản ảnh nhiều chiều, gây bức xúc xã hội.
Trước tình hình đó, sau khi kiểm tra thực tế tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, phản ánh, kiến nghị của nhân dân, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị liên quan:
"Dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định. Những cây đã hạ chuyển thì trồng ngay cây thay thế theo quy hoạch và tiến hành chăm sóc, quản lý theo phân cấp và quy định; hoàn thiện hè đường, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gẫy ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Rà soát, đánh giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch lộ trình thực hiện từng bước, đảm bảo duy trì mật độ xanh thường xuyên liên tục cho từng tuyến phố. Đối với những cây cong nghiêng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và những cây không đúng chủng loại cây đô thị thực hiện chỉnh trang thay thế từng bước; chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được.
Việc chỉnh trang trồng bổ sung thay thế cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng quy trình quy định; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.
Việc bảo tồn, cải tạo chỉnh trang, bổ sung và thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thủ đô là một chủ trương đúng đắn, việc làm cần thiết và hệ trọng, không chỉ trong công tác quản lý, phát triển đô thị mà còn thể hiện mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Sở xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.
UBND Thành phố hoan nghênh và cảm ơn các cơ quan báo chí đã quan tâm, phản ánh kịp thời ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân; đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân tiếp tục quan tâm đóng góp xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh hiện đại".