Chủ tịch Hà Nội: Không để ùn tắc giao thông kéo dài 30 phút trong dịp Tết
Chủ tịch UBND TP HN Nguyễn Đức Chung |
Giảm 70% số điểm đen cũ, phát sinh thêm 17 điểm đen mới
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, 8 năm qua, Hà Nội đã giảm được 70% số “điểm đen” ùn tắc giao thông (UTGT). Nếu năm 2010, Hà Nội có tới 124 “điểm đen” UTGT thì đến năm 2016, con số này chỉ còn 41 điểm; trong đó, 20/44 “điểm đen” tồn đọng từ năm 2015 đã được giải quyết.
Tuy nhiên, do một số công trình trọng điểm như: Đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông... đang thi công, cộng với sự gia tăng đột biến của phương tiện cá nhân nên phát sinh thêm 17 “điểm đen” mới.
Chủ tịch TP cho hay, dự kiến, dịp Tết sắp tới, lượng hành khách đi lại giữa Hà Nội và các tỉnh thành khác sẽ tăng đột biến. Cao điểm nhất là những ngày 24, 25 và 26/1/2017 (tức ngày 27, 28, 29 tháng Chạp âm lịch), lượng khách tại các bến xe có thể tăng đến 60%.
Người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định Hà Nội sẽ tập trung toàn lực, triển khai một cách có hiệu quả Kế hoạch đảm bảo trật tự, ATGT trước, trong và sau dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2017.
"Để đảm bảo giao thông dịp Tết bắt buộc phải sử dụng phải pháp con người, phải căng người vào các giờ cao điểm. Công an TP phải huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông, tăng cường cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động và sinh viên các trường đại học cảnh sát. Sở GTVT huy động toàn bộ lực lượng thanh tra giao thông. Chủ tịch UBND các quận huyện huy động lực lượng dân phòng… đảm bảo không để ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút” – người đứng đầu Chính quyền thành phố lưu ý.
Mặc dù theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì việc triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Hạ tầng giao thông vận tải cơ bản được hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh. các trục hướng tâm, các nút giao lớn vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hoặc thực hiện dở dang, phương tiện giao thông cá nhân tăng cao.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông có ý thức chấp hành pháp luật giao thông còn hạn chế. Nhận định về ý thức người tham gia giao thông rất kém, ông Chung cho rằng chỉ có giải pháp tung các lực lượng “căng người” trên các tuyến đường mới giảm thiểu được ùn tắc dịp tết.
Vì sao Hà Nội không để xe khách đi xuyên tâm?
Về tổ chức giao thông, ông Chung cho rằng còn nhiều bất cập. “Từ đầu năm 2017 thành phố sẽ quyết liệt không để xe khách đi xuyên tâm, sẽ điều chuyển, phân luồng tuyến xe khách không để chạy trong nội thành” – Chủ tịch UBND TP cho hay.
Do đó, từ ngày 2/1/2017 tới, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở GTVT Hà Nội sẽ bắt đầu điều chuyển lường tuyến vận tải hành khách (VTHK) liên tỉnh giữa các bến xe lớn trong TP mà trọng tâm là các bến: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc điều chuyển để thiết lập lại trật tự kinh doanh VTHK là cần thiết và không thể chần chừ thêm nữa. TP đã yêu cầu Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cùng các DN kinh doanh vận tải khác tăng cường lượng xe, lượt - chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, Thành phố cũng quyết tâm đưa tuyến xe bus nhanh BRT đi vào vận hành từ ngày 1/1 tới đây.
“Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng thành phố quyết tâm đưa tuyến xe này vào hoạt động đúng lộ trình. Với xe buýt nhanh, nếu có đường riêng thì chắc chắn có hiệu quả. Trong triển khai hiện nay còn nhiều ý kiến, tuy nhiên thành phố sẽ cử các chuyên gia quan sát nghiêm túc và kịp thời chấn chỉnh các bất cập” - ông Chung nói.
UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an TP, Thanh tra Sở GTVT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Ngoài ra, Hà Nội còn tăng cường lực lượng từ công an phường đến Tổ dân phố cùng CSTT, CSCĐ tham gia điều tiết giao thông trong giờ cao điểm trong dịp cuối năm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nghiêm khắc nhắc nhở các đơn vị thi công hè đường phải tuân thủ đầy đủ các quy định, dọn dẹp sạch sẽ công trường ngay trong đêm, hoàn trả nguyên trạng sau khi thi công xong. “Đến 6h sáng là phải dừng thi công, không được để ảnh hưởng đến việc đi lại và hành lang ATGT của nhân dân và mỹ quan đô thị của TP” - ông Chung nói.
Sẽ có biện pháp hỗ trợ kịp thời để tiếp sức cho Thủ đô
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đại diện cho Chính phủ tiếp nhận đối với những kiến nghị của Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao và cam kết sẽ có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, hữu hiệu để tiếp sức cho Thủ đô phát triển. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng cùng các ban ngành, địa phương liên quan hết sức phối hợp với Hà Nội trong công tác xây dựng, chuyển giao hạ tầng cũng như thiết lập một mạng lưới vận tải hiệu quả, đảm bảo trật tự và sự phát triển chung.