Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Đối xử như với Uber thì ai muốn đầu tư vào Việt Nam nữa”
Ông Trương Gia Bình. Ảnh theo Internet. |
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã đề xuất Chính phủ cần đi tiên phong trong cuộc Cách mạng 4.0, thúc đẩy nhanh Cách mạng 4.0 từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố. Đồng thời, phải đi đầu trong xây dựng khuôn khổ pháp lý về số hóa để thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới. Không nên tìm cách cản trở như trường hợp Uber.
Phần mềm là mũi nhọn
Ông Trương Gia Bình bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về CNTT, Cách mạng 4.0 chính là khát vọng phát triển sự phồn vinh của dân tộc. Việt Nam có thời cơ và cơ hội để thực hiện khát vọng này.
Nhưng để biến khát vọng này thành hiện thực thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào? Trả lời câu hỏi này, theo ông Trương Gia Bình, phần mềm sẽ là một mũi nhọn, bởi vì phần mềm là ngành đặc biệt có thể mang lại giá trị rất lớn. Nếu xuất khẩu nông nghiệp 1 USD giá trị Việt Nam chỉ 5%, nhưng nếu 1 USD xuất khẩu ngành phần mềm thì giá trị Việt Nam là 100%.
Thêm vào đó, khi xuất khẩu phần mềm Việt Nam sẽ thâm nhập vào các ngành lớn của thế giới, tài chính ngân hàng, viễn thông, ô tô, dầu khí, giao thông. Việc làm ra phần mềm còn đem lại lợi ích lâu dài, khi người ta trả 1 USD cho sản phẩm chúng ta làm ra thì chúng ta còn được trả thêm 3 USD về sở hữu trí tuệ trong đó nữa. Theo ông Trương Gia Bình, phần mềm ô tô Việt Nam đang nắm vững, với ô tô tự lái chúng ta có thể can thiệp sâu bằng phần mềm do chính mình làm ra.
Đầu tư vào mũi nhọn phần mềm sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động chất lượng cao. Hiện ngành CNTT của Việt Nam có 781.000 lao động, trong đó 350.000 lập trình viên trong lĩnh vực phần mềm, nếu Việt Nam đẩy lên 1 triệu lao động thì có thể so với các cường quốc như Nhật Bản hiện có 1 triệu, Mỹ có 1 triệu và Ấn Độ 1,6 triệu lập trình viên.
Theo ông Trương Gia Bình, năng lực lập trình viên Việt Nam được quốc tế xếp thứ hạng chất lượng rất cao. Theo đó, lập trình viên Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, được đánh giá tốt nhất khu vực ASEAN. Việt Nam được xếp thứ 6 thế giới về cung cấp các chuyên gia lập trình cho thế giới. FPT có số chứng chỉ cao thứ 2 thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI), có 100 khách hàng lớn trên thế giới là của FPT.
Chính phủ phải làm mẫu, đi tiên phong thúc đẩy Cách mạng 4.0
Đối với việc chuyển đổi số, khách hàng quốc tế chỉ đồng ý cho Việt Nam làm các công việc mới. Cơ hội làm việc cho Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số rất lớn. Nhưng để thuyết phục được các nước thì Việt Nam phải chuyển đổi số cho mình trước, FPT dự kiến sang năm sẽ chuyển đổi số cho chính mình.
Do đó, ông Trương Gia Bình đề xuất, Chính phủ phải làm mẫu, đi tiên phong trong việc thúc đẩy Cách mạng công nghệ 4.0. Nếu Việt Nam giải quyết được bài toán toàn diện giao thông thông minh cho một thành phố thì tất cả các thành phố khác đều cần giải pháp của chúng ta. Nếu Việt Nam có giải pháp toàn diện cho y tế thông minh thì lời giải của Việt Nam tạo được cơ hội đem ra ứng dụng cho toàn thế giới. Để chớp lấy cơ hội của Cách mạng công nghệ thì Việt Nam cần thúc đẩy nhanh Cách mạng 4.0 từ Chính phủ và các thành phố.
Vấn đề nhân lực ngành CNTT cho nhu cầu tăng trưởng cũng cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng nhu cầu. Trong nhiều năm liên tục ngành CNTT tăng trưởng ở mức 30%, nay chậm lại còn 13%, nguyên nhân do thiếu nhân lực, mặc dù nhu cầu của thế giới tăng nhưng các doanh nghiệp như FPT phải từ chối không nhận hợp đồng. Chính vì thiếu nhân lực nên đẩy giá lao động ngành phần mềm lên rất cao. Giá thị trường cho lãnh đạo dự án là 3.000 USD, sinh viên FPT ra trường lương 700 USD.
Điều đáng chú ý là trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành mũi nhọn của Cách mạng 4.0 nhưng trường đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo và sắp có hàng trăm sinh viên ra trường là Đại học Quy Nhơn chứ không phải là những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam.
Cũng theo ông Trương Gia Bình, muốn trở thành cường quốc về CNTT thì Việt Nam cần đi đầu trong khuôn khổ pháp lý về số hóa.
Ông Bình nêu ra một dẫn chứng rất cụ thể liên quan đến chính sách cho các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ mới: “Các quy định do chúng ta quyết định, nếu ứng xử với Uber như vừa rồi thì ai còn muốn đầu tư vào Việt Nam nữa. Một mô hình kinh doanh công nghệ hiện đại mà rất nhiều nước phát triển khuyến khích, Việt Nam lại cản trở. Thông thường khi một mô hình kinh doanh mới ra đời thì mô hình cũ sẽ tìm cách cản trở, vậy chúng ta sẽ ứng xử với mô hình cũ thế nào, thay đổi chính sách thế nào để thúc đẩy mô hình mới, điều này rất cần để phát triển”.