Chữ hiếu nên thực hành quanh năm chứ không chỉ làm "theo mùa"
Ý nghĩa của ngày Rằm tháng Bảy và xá tội vong nhân
Chúng ta không biết chính xác niên đại và xuất xứ của lễ này cùng với câu chuyên của Mục Kiền Liên cứu mẹ trong dịp chư Tăng mãn hạ theo truyền thống Đạo Phật phát triển vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm.
Bông hồng cài áo để tưởng nhớ cha mẹ trong lễ Vu Lan |
Vào thời Đức Phật còn tại thế, một hôm vua Bình sa vương (Bimbisara) nằm mộng thấy những chúng sinh đói khổ rách rưới đeo bám vào tường thành kêu khóc thảm thiết.
Vốn là một người giàu lòng từ bi, vua rất xúc động và khi có cơ hội, đức vua đã hỏi Đức Phật họ - những chúng sinh đau khổ xuất hiện trong giấc mơ của ông - là ai và phải làm gì để cho họ bớt khổ?
Trong bối cảnh này, Đức Phật đã cho đức vua Bình sa Vương biết các chúng sinh đó là những thân bằng, quyến thuộc của vua trong quá khứ xa xôi. Họ do vì kém duyên phước, khi sống chỉ biết tranh giành hơn thua, ki bo tích trữ để sống qua ngày mà không biết làm phước, không được học đạo và không sống có đạo, không biết quan tâm đến tha nhân… nên sau khi thân hoại mạng chung ở cảnh giới con người, họ đã phải thọ sinh vào những khổ cảnh.
Cũng vì nhân duyên thân bằng quyến thuộc trong quá khứ của họ nay là Đức vua Bình Sa Vương đã là người biết Đạo, đã vào dòng thánh và có khả năng làm phước hồi hướng công đức cho họ, nên họ xuất hiện cho ông biết để xin cứu giúp.
Đức Phật với tâm đại bi chiếu cái nhìn thanh tịnh vào nhân gian và thấy rằng các thân bằng quyến thuộc đã quá vãng thường đến nhà thân nhân. Họ đứng tựa vách hay ngoài cửa, đứng ở ngã ba đường hay ở cổng thành với mong mỏi người thân của họ nhận ra và làm phước nhân danh họ để họ có chút phước làm động lực vượt thoát khổ cảnh. Nếu thân nhân của họ có lòng từ bi, làm phước và do công đức bố thí đó hồi hướng đến cho họ, với câu chú nguyện: “Mong cho phước thiện này được thọ hưởng bởi thân nhân của chúng tôi, nguyện cho họ được cát tường như ý”.
Nếu các vong nhân đó vân tập ở các đạo tràng, phát sinh tâm hoan hỷ, cảm kích trước việc phước thiện mà thân nhân của họ đang làm, do thiện tâm đó, họ được giải thoát khỏi khổ cảnh.
Như vậy phong tục cúng bái và hồi hướng phước cho hương linh đã mất có từ thời Đức Phật (thế kỷ thứ sáu trước công nguyên) và được khuyến khích trong cộng đồng những người theo Phật giáo tin vào nhân quả nghiệp báo và phước tội do hành động tạo tác của mình, cũng như tin vào sinh tử luân hồi trong những cảnh giới khác nhau.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cùng triết lý Phật giáo
Đạo Phật truyền đến Trung quốc và Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Cùng với những niềm tin và tín ngưỡng của Phật giáo trong sự tương giao với văn hóa bản địa, việc cúng giỗ vốn có sẵn trong văn hóa thờ phụng tổ tiên của người Á Đông.
Khi việc cúng giỗ này được hướng dẫn bởi triết lý Phật giáo về mối liên hệ giữa các cảnh giới, việc cúng giỗ và thờ phụng tổ tiên mang một ý nghĩa mới, nhân văn và rộng rãi hơn là chỉ quan tâm đến một gia tộc.
Ở những vùng đất và cộng đồng theo Phật giáo Nguyên thủy (hay Nam truyền – Theravada), việc cúng dường chư tăng và hồi hướng phước báu đến thân nhân quá vãng diễn ra thường xuyên trong năm, khi có duyên sự, không phải chỉ chờ đến Tháng Bảy Vu-lan mới làm lễ này.
Lễ Vu Lan (Ulumbana) và niềm tin Tháng Bảy (AL) là tháng xá tội vong nhân có từ khi nào và ý nghĩa ra sao? Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về dịp lễ đặc biệt này của các cộng đồng phật giáo Bắc truyền hay Đạo Phật phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ở một số nước Đông Nam Á và một phần của Trung Quốc, vào thời gian này là mùa mưa lũ, bão táp. Nhất là ở vùng duyên hải Việt Nam thường có mưa phùn rả rích, mây mù che phủ bầu trời làm nên nét ảm đạm thê lương. Trong khung cảnh này, Nguyễn Du, đại thi hào của Việt Nam đã viết bài văn chiêu hồn nổi tiếng và sau này người dân vẫn sử dụng bài văn này để cúng vào dịp tháng Bảy.
Đạo hiếu và lòng từ bi tha thứ bao dung
Đạo Phật dạy chúng ta lòng từ bi thương xót đến tất cả chúng sinh, kể cả những chúng sinh trong khổ cảnh cần sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta để họ được chút phước làm hành trang đến cảnh giới an vui hơn.
Chính lòng từ bi này là động lực để các chùa và đạo tràng lập đàn cầu siêu độ cho các uổng tử cô hồn, chiến sĩ trận vong và những người chết oan ức do nguyên nhân này hay nguyên nhân khác.
Rằm Tháng Bảy chính là dịp như vậy – ngày xá tội vong nhân đã hợp thức hóa một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với triết lý Đạo Phật về từ bi và tha thứ bao dung.
Dù khi sinh tiền họ đã oai danh, lắm của nhiều tiền hay họ là kẻ bần cùng không tấc đất cắm dùi, khi chết rồi họ đều “không mang theo gì” ngoài nghiệp đã tạo.
Tuy nhiên, Đạo Phật không phải chỉ độ cho người đã chết, qua các lễ lạt mang tính tín ngưỡng tâm linh này, ngày Vu Lan còn là dịp để người con Phật và những ai có cảm tình với Đạo Phật, bày tỏ lòng hiếu đạo với cha mẹ hiện tiền.
Xuất phát từ những lời dạy của đức Phật về bổn phận của con cái đến cha mẹ như hiếu kính, dưỡng nuôi bậc sinh thành khi họ ở tuổi xế chiều không còn khỏe mạnh và bày tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành, những người thầy đầu tiên trong đời.
Phật giáo Nhật Bản đã biến triết lý sống hiếu đạo này thành lễ cài bông hồng, mà thầy Thích Nhất Hạnh đã phương tiện phổ biến trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam thành lễ Bông Hồng Cài Áo.
Ai còn cha mẹ thì cài hoa hồng hay hoa đỏ, ai có đấng sinh thành đã khuất núi về với tổ tiên thì cài bông hoa màu trắng (màu tang trong văn hóa Việt). Do đó, Vu lan cũng là mùa báo hiếu trong Đạo phật phát triển. Đức Phật khuyên chúng ta hiếu đạo nên thực hành quanh năm suốt tháng, không phải chỉ làm theo “phong trào” hay theo mùa.
Nhìn sang Phật giáo Tích Lan, Miến Điện hay Thái lan, báo hiếu có cả những cuộc xuất gia thực hành theo lời Phật dạy để báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cho đến thế kỷ 21 này, trẻ con trong gia đình theo Phật ở Tích lan vẫn lạy cha mẹ hàng ngày để tỏ lòng hiếu kính trước khi các em đến trường học chữ, học nghề.