'Chọn cán bộ chủ chốt có đức, nhưng phải dám chịu trách nhiệm'
VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
PV: Hội nghị Trung ương 13 vừa qua có bàn nhiều nội dung quan trọng, ông quan tâm nhất vấn đề gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Túc: Theo dõi quá trình Hội nghị, tôi quan tâm nhất đến vấn đề nhân sự. Theo dõi suốt quá trình vừa qua, tôi thấy kỳ này công tác nhân sự của chúng ta lần này chuẩn bị tốt hơn hơn so với các kì Đại hội trước, bởi chúng ta có quá trình lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển và sau đó có rà soát lại. Hy vọng chất lượng nhân sự Đại hội Đảng sẽ tốt hơn các kì trước.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Hiện nay, qua một số ý kiến tiếp xúc được, tôi thấy có một vấn đề lớn đặt ra sau Đại hội đó là những vị trí chủ chốt và việc thẩm định lại phẩm chất, đạo đức của những người đã được Trung ương giới thiệu.
Tại sao lại đặt vấn đề đó ra? Vì rằng muốn xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh thì bản thân nội bộ Đảng không thể làm tốt được nếu không có sự đóng góp của nhân dân. Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, đó là có khó khăn gì cứ hỏi dân, dân sẽ giúp chúng ta giải quyết và Bác thường hay nói câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
PV: Thưa ông, từ Đại hội VII cho đến việc chuẩn bị cho Đại hội XII, Văn kiện Đảng luôn nhấn mạnh tình trạng một bộ phận không nhỏ Đảng viên có chức, có quyền thoái hóa, biến chất. Theo ông, vấn đề xây dựng Đảng là hết sức khó khăn và đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu?
Ông Nguyễn Túc: Đúng là xây dựng Đảng trong bối cảnh hiện nay là vấn đề hết sức khó khăn vì tuy nói là định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng nó lại nằm trong cơ chế thị trường. Chúng ta thấy sự thoái hóa biến chất không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng và ngày càng tinh vi hơn. Suốt từ Đại hội VII đến Đại hội XI, Văn kiện của Đảng ta đã khẳng định điều đó. Từ một số đến một bộ phận rồi đến một bộ phận không nhỏ Đảng viên có chức, có quyền thoái hóa, biến chất.
Tôi tha thiết đề nghị, để giải quyết, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này, thì các cán bộ mà được Trung ương giới thiệu kì này nên để cho dân tham gia ý kiến. Ít nhất phải để cho các vị trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng được biết để có ý kiến xây dựng Đảng đúng theo tinh thần Chỉ thị 217, 218 của Bộ Chính trị để giám sát và phản biện xã hội và vấn đề tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
Việc làm này chẳng những không có hại mà chỉ tốt hơn mà thôi, để tất cả những người được Trung ương tin tưởng, giới thiệu cũng được dân tin tưởng.
PV: Trong công tác cán bộ hiện nay, có một vấn đề người dân rất quan tâm đó là vấn đề kê khai tài sản, trong khi vấn đề này gần như là chưa được thực hiện hiệu quả trong thời gian vừa qua. Theo ông, làm thế nào để kiểm soát được vấn đề này trong đội ngũ cán bộ, nhất là những người được giới thiệu lần này?
Ông Nguyễn Túc: Nếu để cán bộ tự kê khai thì nhiều người kê khai không đúng, nhưng nếu đưa vấn đề này ra địa bàn dân cư để nhân dân xem xét như kê khai khi tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội và HĐND thì chắc rằng sẽ chính xác hơn.
Kinh nghiệm bầu cử của các kì bầu cử trước, rất nhiều ứng cử viên đưa ra địa bàn dân cư và địa bàn dân cư phát hiện ra việc kê khai có trung thực hay không. Dựa vào đó, chúng ta có điều kiện thẩm định, đánh giá tính trung thực của Đảng viên đó một cách chính xác hơn. Nếu như Trung ương cũng thực hiện cũng thực hiện việc bầu Trung ương cũng như Mặt trận bầu Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sẽ đạt hiệu quả cao hơn và dân sẽ tin hơn.
PV: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp diễn ra, ông kì vọng gì ở Đại hội lần này, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt?
Ông Nguyễn Túc: Tôi rất tin kỳ này đội ngũ cán bộ được vào Trung ương, chất lượng mọi mặt sẽ tốt hơn. Nhưng để làm được điều đó thì Trung ương cần thẩm tra lại một lần nữa tất cả những người đã được giới thiệu trước khi Đại hội diễn ra. Vì rằng đến Đại hội không phải chỉ có Trung ương, (Trung ương trên dưới 200 người) mà Đại hội thì cả nghìn người thì có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề dân chủ trong bầu cử.
Thứ hai, tôi cũng như nhiều người dân quan tâm nhiều đến 4 chức danh chủ chốt. Đối với 4 chức danh này thì vấn đề đạo đức rất quan trọng nhưng nếu chỉ có đức không thôi, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, không dám quyết thì xã hội sẽ không chuyển biến nhanh.
Cùng với vấn đề đức, vấn đề tài và tài cũng phải coi trọng. Tài ở đây là những vấn đề trên cơ sở đường lối Đảng đã vạch ra là phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám quyết. Có như vậy mới có thể chuyển biến được tình hình hiện tại hiện nay. Muốn làm được như vậy rất cần những con người dám chịu trách nhiệm trước dân, trên cơ sở đường lối chính trị đã vạch ra mà hành động chứ hiện nay không ít nơi còn tình trạng cả nể, né tránh vì rằng sợ động chạm đến ghế ngồi của mình. Như như thế rất nguy hiểm.
Mong muốn Đại hội chọn được những con người đức-tài đều trọn vẹn. Về đức thì không tham nhũng, không tham ô, không bao che, không lợi ích nhóm. Còn về tài cũng dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng về nhưng vấn đề mà Đảng ta đã có Nghị quyết. Thực tế, Nghị quyết có rất nhiều nhưng để đưa từ Nghị quyết đến đời sống còn chưa được nhiều.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Minh Hòa/VOV.VN