Đề phòng tai nạn giao thông rình rập trẻ
Đưa con từ Lộc Hà, Hà Tĩnh ra Bệnh viện Nhi Trung ương khám kiểm tra lại, anh Nguyễn Đức Thành vẫn không thể nào quên khoảnh khắc con trai 2 tuổi của anh chạy nô ở sân và trong lúc sơ ý con đã chạy ra ngoài đường chơi.
Trời chập choạng tối một thanh niên đi xe máy với tốc độ cao đã lao vào cháu bé. Con ngã ra đường khóc thét còn người lái xe chạy đi mất.
Khi ra đường nhìn con máu me chảy từ mũi, tay, anh Thành vô cùng sợ hãi. Ngay lập tức, anh gọi cho y tế xã tới sơ cứu cho bé và đưa bé lên Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Tại đây, bác sĩ theo dõi nghi ngờ bé có tụ máu ở não. Gia đình nguyện vọng xin đưa bé ra Hà Nội.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ cho biết cháu bị chấn thương sọ não. Anh Thành cho biết bé không phải phẫu thuật mà theo dõi, sử dụng thuốc tiêu máu tụ.
Sau 2 tuần nằm viện, con được về nhà. Một tháng sau anh đưa con tới kiểm tra lại. Tình hình sức khoẻ của bé ổn định nhưng đây là bài học cho gia đình anh, chỉ một phút bất cẩn không để ý con đã bị tai nạn.
Trường hợp con chị Võ Thị Vẹn (Cờ Đỏ, Thành phố Cần Thơ) cũng tương tự. Con gái chị 9 tuổi chơi cùng bạn bè ngoài sân. Khi các bé chơi trò trốn tìm, con lao nhanh từ nhà ra đường khiến xe máy tông trúng. Bé được đưa đi cấp cứu trong tình trạng gãy tay và đùi trái.
Đùi trái gãy xương rơi các bác sĩ phải cố định bằng đinh. Nhìn con đang tuổi đi học hiện tại ngồi phòng bệnh, chưa biết đến ngày nào có thể đi lại bình thường, chị Vẹn xót xa.
Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ mỗi ngày tiếp nhận khoảng chục bệnh nhi bị tai nạn thương tích vào cấp cứu. Đặc biệt là về mùa hè, lễ Tết thì tai nạn này càng tăng lên có ngày tới 30 cháu.
Các tai nạn thường gặp là bỏng, gãy tay chân do tai nạn giao thông, leo trèo té ngã. Nguyên nhân gây tai nạn thương tích của trẻ chủ yếu do sự lơ là, thiếu quan sát của người lớn.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến – Khoa Chấn Thương - chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ xảy ra thường không biết trước được. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng tai nạn này nó xảy ra ở đâu đâu chứ không ở gia đình mình.
BS Tiến cho biết 90% tai nạn thương tích ở con trẻ đều nguyên nhân từ người lớn. Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, với trẻ nhỏ cha mẹ cần quan sát, không nên để trẻ vượt tầm mắt của mình.
Với trẻ lớn hơn chút, cha mẹ nên giáo dục con cái về các quy định giao thông, tham gia giao thông, không nên chơi ở các khu vực gần hành lang giao thông.
Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần giáo dục trẻ em biết được các hành vi của mình có an toàn hay không để giảm tai nạn thương tích. Nhà trường và gia đình đều phải tạo môi trường an toàn cho trẻ, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ.
Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Tai nạn thương tích không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ mà còn ảnh hưởng tới cả tinh thần, phát triển trí tuệ cho trẻ.
Vì vậy, phòng tránh tai nạn thương tích trước hết cần sự quan tâm chăm sóc của các bậc phụ huynh. Giữ an toàn cho trẻ bằng cách hiểu biết và dự đoán những nguy cơ gây tai nạn thường gặp để có các biện pháp phòng tránh và làm cho môi trường của con bạn an toàn hơn.
Hàng ngày, con bạn có rất nhiều các hoạt động như tập đi, hoặc chạy hoặc bò quanh nhà,.... những hoạt động này của trẻ luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra một loạt các tai nạn.
Điều này là khó tránh khỏi khi con của bạn luôn tò mò muốn khám phá thế giới, nhưng bạn có thể thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa tai nạn.
K.Chi