Choáng váng vì thuế đất
Choáng váng vì thuế đất
Việc tăng thuế đất cần phù hợp vớisự tăng trưởng chung và bình đẳng giữa các doanh nghiệp |
Thuế đất lên cao gấp hàng chục lần
Thuế đất năm 2011 đang tăng gần 37 lần so với giai đoạn năm 1999-2008. Trong đó, thuế đất mà doanh nghiệp (DN) trong nước phải đóng đang cao hơn 215 lần so với DN liên doanh... Đây là lo lắng của hầu hết các doanh nghiệp khi nhận được thông tin về việc thay đổi giá trị thuế đất theo Nghị định 121/2011/NĐ-CP ngày 30-12-2010, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Tại hội nghị "Tháo gỡ khó khăn cho DN về tình hình thuê đất và các vấn đề liên quan đến thuế” diễn ra mới đây tại Hà Nội do Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ bức xúc về việc, nếu thực hiện nộp thuế đất theo NĐ 121, số tiền sẽ đội lên gấp hàng chục lần. Như vậy doanh nghiệp sẽ rơi vào tình thế "một cổ nhiều tròng” khi mà thị trường lãi suất chưa có tín hiệu giảm.
Ông Tô Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH thiết bị Hồng An, Hải Phòng cho biết: Theo thông báo nộp tiền thuế đất số 70/TB-CCB ngày 15-3-2011 của Chi cục thuế quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, doanh nghiệp chúng tôi rất bất ngờ về số tiền phải nộp năm 2011 gấp gần 20 lần số tiền phải nộp năm trước.
Doanh nghiệp của ông hoàn toàn đồng ý với chính sách tăng tiền thuê đất của ngành thuế, nhưng việc tăng phải phù hợp với sự tăng trưởng chung của cả nước và bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau. Ở NĐ 121, rõ ràng có sự thiếu công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Thạch lấy ví dụ, doanh nghiệp Cáp điện liên doanh với Hàn Quốc LS cùng nằm trên trục đường dẫn Nam cầu Bính ngay "sát vách” doanh nghiệp của ông, phần mặt đường còn dài hơn gấp nhiều lần phần đất bên Công ty Hồng An thuê nhưng số tiền họ phải nộp chỉ là 1,6 USD/m2/năm trong vòng 50 năm còn Hồng An phải nộp cao hơn 215%.
Ông Đoàn Ngọc Long - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long (Hải Phòng) bức xúc: Trong lộ trình cấp sổ đỏ thuê đất từ năm 1999 đến 2008, mức thuế mà Công ty phải trả là 185 triệu đồng cho hơn 6 ha. Từ năm 2008-2010, thuế đất là 681 triệu, tăng hơn 5 lần giai đoạn đầu.
Đến năm 2011, DN giật mình sau khi nhận được thông báo của Chi cục Thuế Ngô Quyền với số thuế là gần 7 tỷ. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một năm, mức thuế mà DN phải đóng tăng lên 37 lần so với giai đoạn đầu, số tuyệt đối mà DN phải đóng tăng thêm 6,3 tỷ đồng so với năm ngoái.
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đến từ Ninh Bình, Hải Dương cũng cho rằng: Việc áp dụng biểu thuế mới trong giai đoạn DN đang sản xuất cầm chừng, kinh doanh không có lãi như hiện nay là chưa phù hợp. Thêm nữa, cũng chưa nên áp dụng biểu thuế đất mới, khi chưa phân biệt được DN sản xuất với dịch vụ, thương mại.
Bởi trên thực tế, đối với một số cơ sở gia công giày dép, chế biến lợi nhuận thấp, áp dụng theo kiểu dịch vụ thì không được. Vì thế, đại diện các hiệp hội cũng đề xuất ngành thuế nên rà soát các DN, phân loại cụ thể để có thể áp dụng mức thuế mới một cách công bằng.
Không gây thêm khó khăn cho DN
Ông Phạm Văn Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế và phát triển quỹ đất, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, nếu không tăng đơn giá thuê đất lên 1,5-2% thì ngân sách nhà nước không còn gì để thu. Năm 2011 cũng là tròn 5 năm, thời điểm để điều chỉnh toàn bộ giá thuê đất, điều này sẽ tác động đến chi phí của DN. 5 năm qua, nhiều xã đã chuyển thành phường lớn, nhiều đô thị đã phát triển nên giá đất tác động mạnh, đây là lý do khách quan. Ông Thọ cũng thừa nhận đây là vấn đề vĩ mô phức tạp, cần được nghiên cứu kỹ sau khi doanh nghiệp phản ánh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, sẽ trình Chính phủ những vấn đề chưa đúng về giá thuê đất để có quy định hướng dẫn, làm sao phù hợp nhất là trong năm 2011 và 2012 khi DN khó khăn. Trong khi chờ Thủ tướng có ý kiến thì cơ quan thuế, sở tài chính không gây khó khăn, bức xúc cho DN.
Theo các chuyên gia, trong điều kiện kinh tế quốc tế và trong nước hiện nay đang có nhiều yếu tố tác động gây bất lợi cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp hợp lý, kịp thời nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục ổn định sản xuất, phát triển bền vững, không nên tăng thêm khó khăn cho DN.
Theo Đại đoàn kết