Chính thức cung cấp dịch vụ vào cuối năm, cước 4G có rẻ?
Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ các thông tin vềtriển khai 4G |
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I/2016, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác. Cũng theo thống kê từ GSA, hiện tại, trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 167 quốc gia tính đến tháng 5/2016. Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ.
Thời điểm đã chín muồi
Từ cuối năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 4G LTE cho một số nhà mạng lớn như Vietel, Mobifone,VNPT và FPT. Dự kiến 4G LTE sẽ được cấp phép chính thức vào cuối năm 2016, sau khi hoàn tất báo cáo kết quả thử nghiệm từ các nhà mạng.
Tại Hội thảo quốc tế 4G LTE 2016 với chủ đề “Phát tiển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên kết nối vạn vật” do IDG Việt Nam và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 18/08/2016, các chuyên gia đều khẳng định đã đến lúc các nhà mạng triển khai mạng 4G LTE.
Theo ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông khi triển khai 4G cần quan tâm 3 nội dung gồm: Vùng phủ sóng; tốc độ; và giá cước.
Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ các thông tin vềtriển khai 4G |
Trong khi đó, ông Thiều Phương Nam – TGĐ Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào, và Campuchia - cho rằng đây là thời điểm phù hợp để triển khai 4G tại Việt Nam, nhưng cần phải có lộ trình triển khai từ 3-5 năm, giai đoạn đầu nên triển khai ở các thành phố lớn.
“Chúng tôi có tham gia hỗ trợ giải pháp kỹ thuật và hoạch định lộ trình triển khai thương mại 4G của 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, Mobifone và Viettel từ cuối năm 2015. Giai đoạn đầu cho kết quả rất tốt về tốc độ và sự hài lòng của khách hàng, chúng tôi đánh giá hiện nay các nhà mạng đã sẵn sàng cả về hạ tầng cũng như hệ sinh thái thiết bị,” ông Thiều Phương Nam nói.
Theo ông Francis Zhu - Giám đốc Chiến lược Marketing, Tập đoàn ZTE - lựa chọn triển khai 4G thời điểm này là kịp thời, đúng lúc. Số người sử dụng mạng 3G tại các thành phố đã chiếm khoảng 80%, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng lượng người sử dụng điện thoại nhanh so với thế giới, là tiền đề để phát triển mạng 4G.
“Chúng ta dễ dàng nhận thấy doanh thu từ dịch vụ viễn thông giảm, nguồn thu từ dịch vụ sẽ gia tăng. Để bù đắp sự sụt giảm, các nhà cung cấp dịch vụ cần phải sử dụng thiết bị thông minh để ứng dụng những công nghệ đó. Công nghệ 4G đã có sẵn, chúng tôi cho rằng, tỷ lệ phát triển điện thoại thông minh ở Việt Nam khi triển khai mạng 4G sẽ càng cao hơn nữa,” ông Francis Zhu nói.
Ông Francis Zhu - Giám đốc Chiến lược Marketing, Tập đoàn ZTE. |
Giá cước có rẻ hơn 3G?
Vấn đề được quan tâm nhất khi triển khai 4G là giá cước sẽ được tính như thế nào. Cho đến nay, các nhà mạng của Việt Nam chưa hé lộ thông tin về giá cước. Nhưng theo ông Lê Nam Thắng, với giá cước, 2G hay 3G, cuộc gọi thoại (voice) chiếm tỷ trọng lớn, nhưng với 4G, cuộc gọi thoại sẽ ngày càng ít, thay vào đó là data.
“Các doanh nghiệp không nên phân biệt giữa data hay voice trong cách tính giá cước 4G, có thể tính cước đối với data, miễn phí đối với voice, chẳng hạn như sử dụng ở mức nào thì được gọi miễn phí… như vậy sẽ phát triển được công nghệ 4G,” ông Lê Nam Thắng nói.
Theo ông Mantosh Malhotra, TGĐ Qualcomm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trước đây với mạng 3G, thời gian cần thiết để đưa giá cước về mức phù hợp với túi tiền của người dùng rất lâu, nhưng với 4G, thời gian sẽ nhanh hơn rất nhiều. Mức giá phù hợp của thiết bị đầu cuối cũng góp phần xác lập mức giá cước 4G khi hiện nay chỉ cần bỏ ra khoảng 60-70 USD là người dùng đã có thể sở hữu một chiếc smartphone.Về phía quan điểm của người dùng, ông Mantosh Malhotra cho rằng người dùng cũng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn đối với dịch vụ kết nối internet trên điện thoại di động.
“Internet đã trở thành thiết yếu đối với người dùng điện thoại di động. Tôi cảm thấy bình thường nếu điện thoại của tôi không thể gửi tin nhắn hay gọi cho ai đó,nhưng tôi rất lo lắng nếu không kết nối được internet qua điện thoại,” ông Mantosh Malhotra nói.
Ông Thiều Phương Nam (trái) và ôngMantosh Malhotra. |
TGĐ Qualcomm khu vực châu Á – Thái Bình Dương khẳng định dữ liệu cho người dùng cuối trong 4G sẽ rẻ hơn so với 3G bởi vì giá thành sản xuất ra mỗi một megabyte dữ liệu cho người dùng cuối trong 4G sẽ rẻ hơn so với trong 3G. Các nhà mạng cũng sẽ không cần phải sáng tạo hơn trong việc tạo ra các gói cước. Chẳng hạn, có khách hàng sẵn sàng trả sau với dung lượng cao, nhưng số khác lại ưa thích gói cước trả trước đang phổ biến ở Việt Nam. Thậm chí, có những nhà mạng đưa ra những gói cước theo từng ứng dụng cụ thể.
Trong khi đó, ông Francis Zhu cho rằng, khi đã có băng thông cung cấp sẵn thì tỷ lệ đầu tư rất nhỏ. Để đầu tư lớn, các nhà mạng phải hiện đại hóa hệ thống, chi phí các bộ chuyển, thiết bị đầu cuối.
“Theo quan điểm tôi, các nhà cung cấp ở Việt Nam hãy xem xét giai đoạn đầu tư ở hiện tại , nếu công nghệ vẫn phù hợp thì không cần phải thay đổi, nếu thiết bị 4G đáp ứng được thì vẫn có thể tận dụng,” ông Francis Zhu khuyến nghị.
Tuy nhiên, ông Francis Zhu cũng cho rằng giá dịch vụ còn phụ thuộc vào hành vi người tiêu dùng.