Chính sách trợ cấp mới đối với dân công hỏa tuyến
Theo đó, đối tượng được áp dụng chính sách trên là người được Ủy ban hành chính hoặc UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ các chiến trường, trong thời gian và địa bàn như sau:
Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9/1945 đến ngày 20/7/1954; tham gia kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày 20/7/1954 đến ngày 30/4/1975. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia.
Ảnh minh họa |
Dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 7/1/1979, ở biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến tháng 12/1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/12/1988, ở Campuchia từ tháng 1/1979 đến ngày 31/8/1989. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp với huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu.
Đối với một số địa bàn đặc biệt, thời gian tham gia của dân công hỏa tuyến có thể được tính sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian nêu trên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Nếu các đối tượng trên thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được áp dụng chính sách này:
Hiện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hằng tháng hoặc đang công tác trong cơ quan Nhà nước, làm việc trong doanh nghiệp nhà nước hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.
Đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân; hoặc người bị kết án về một trong những tội về xâm phạm đến an ninh quốc gia.
Xuất cảnh trái phép, đang định cư ở nước ngoài bất hợp pháp hoặc bị tòa án tuyên bố là mất tích; hoặc thoái thác nhiệm vụ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi.
Các đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần; chế độ bảo hiểm y tế và chế độ trợ cấp mai táng phí.
Trợ cấp một lần từ 2 - 3,5 triệu đồng
Theo quy định, mức trợ cấp một lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến (trường hợp có thời gian tham gia dân công hoả tuyến ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn). Cụ thể: Dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.
Người đã từ trần, một trong những thân nhân sau đây của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng nêu trên: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.
Quyết định quy định, người chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế tương tự như đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Người tham gia dân công hỏa tuyến được cấp "Giấy chứng nhận" tham gia dân công hỏa tuyến.