Chính phủ sẽ không làm những gì doanh nghiệp và xã hội làm được!
Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2016 diễn ra sáng 08/11/2016 do VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam tổ chức.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ cũng sẽ có chương trình hành động cụ thể để thực hiện chương trình phát triển bền vững, nhưng để thực hiện thành công, vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Hầu như ai cũng biết về mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết tham gia, rất nhiều người biết rằng có 17 mục tiêu cụ thể, nhưng rất ít người biết rằng trong đó có tới 169 tiêu chí và đều liên quan trực tiếp đến bản thân các doanh nghiệp.
“Phát triển bền vững là làm sao để đáp ứng yêu cầu của ngày hôm nay nhưng không ảnh hưởng xấu đến việc đáp ứng nhu cầu của ngày mai. Chúng ta không thể yên lòng khi nghĩ rằng liệu những việc mình làm hôm nay có ảnh hưởng xấu đến thế hệ mai sau hay không”, Phó Thủ tướng nói.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Chính phủ, các Bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần phải cùng nhau quyết tâm làm sao để Nhà nước, Chính phủ và các Bộ ngành phải làm ít việc đi. Thay vào đó, Chính phủ làm những việc thật sự cần thiết, đó là tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, những gì doanh nghiệp và xã hội làm được thì Chính phủ không cần làm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2016. Ảnh: VGP. |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, để thay đổi căn bản mô hình phát triển, hướng tới sản xuất bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tham gia được hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, lấy trí thức khoa học công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần xác định rõ những thuận lợi và thách thức để phát triển phù hợp với xu thế hiện đại. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chỉ khi cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay với Chính phủ và các tổ chức xã hội mới có thể thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách để các doanh nghiệp có thể tham gia một cách minh bạch đối với lĩnh vực xử lý các vấn đề về môi trường và tạo ra nhu cầu cho thị trường để thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Trong khi đó, đánh giá về nhận thức của các doanh nghiệp đối với phát triển bền vững nói chung, bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên HĐQT Sở GDCK thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, trong năm 2016, số doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE cung cấp thông tin phát triển bền vững đã tăng 45% so với năm 2015. Điều này cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp về phát triển bền vững đã được cải thiện bởi nhà đầu tư cũng đã quan tâm hơn về các thông tin ngoài “thông tin tài chính” trong báo cáo thường niên của doanh nghiệp. Cũng theo bà Việt Hà, các thông tin về quản trị doanh nghiệp cũng tăng mạnh 77% so với năm 2015 tạo điểm nhấn về minh bạch quản trị.
“Tuy nhiên, so với các công ty niêm yết trong khối ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam tụt hậu về áp dụng chuẩn Quản trị doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, một số doanh nghiệp có điểm về phát triển bền vững tốt nhất gồm: Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Vinamilk (VNM), Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HCM), hay CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ),” bà Nguyễn Thị Việt Hà nói.
Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu trong báo cáo Phát triển Bền vững, bản thân doanh nghiệp cũng phải mạnh dạn đầu tư ban đầu. Theo bà Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng ban Truyền thông – Thương hiệu Tập đoàn Bảo Việt, thời điểm Bảo Việt quyết định thực hiện báo cáo Phát triển Bền vững, tập đoàn đã phải thuê đơn vị tư vấn là PwC Đông Nam Á bởi khi đó chưa có đơn vị tư vấn nào trong nước tham gia vào thị trường này.
Ông Phạm Ngọc Tú, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Bảo Việt cho biết, phát triển bền vững đảm bảo có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Báo cáo Phát triển Bền vững là công cụ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về mình và biết mình sẽ phát triển như thế nào. Báo cáo Phát triển Bền vững cũng là thông lệ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trước các bên liên quan và các hoạt động của mình nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, khi nói về Phát triển bền vững, các doanh nghiệp mới chỉ hình dung là minh bạch về môi trường – xã hội, điều này còn quá xa so với chuẩn quốc tế bởi ngoài hai tiêu chí trên, doanh nghiệp còn phải đáp ứng tiêu chí chung và tiêu chí về kinh tế, trong đó có rất nhiều tiêu chí con như: chiến lược kinh doanh, đạo đức kinh doanh, hiệu quả kinh tế, nguyên tắc mua sắm, chống tham nhũng...