Chính phủ đẩy nhanh giải ngân và ứng vốn cho nền kinh tế
Chính phủ đẩy nhanh giải ngân và ứng vốn cho nền kinh tế
Đây là một nội dung của báo cáo tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012 do Bộ KHĐT soạn thảo báo cáo phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 30-31 tháng 7.
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm và có trị số âm (-) trong 2 tháng qua. So với tháng trước, CPI tháng 6 giảm (-) 0,26%, tháng 7 giảm (-) 0,29%.
Lũy kế từ đầu năm đến 20/7/2012, cả nước có gần 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 247,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,7% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.
Trên 30,3 nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011, tập trung chủ yếu vào một số thành phố lớn như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng
Trong 7 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm trên 825 nghìn người, đạt 54,5% chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu lao động trên 47 nghìn người, đạt 52,3% kế hoạch năm, giảm 13,3% so với cùng kỳ.
Những giải pháp điều hành kinh tế các tháng cuối năm được Bộ KHĐT nêu rõ, theo đó, thực hiện giải pháp chủ yếu như triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô; điều chỉnh giảm lãi suất xuống mức hợp lý. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, DN nhiều lao động. Phát triển thị trường trong nước, triển khai các chương trình khuyến mại, kích thích tiêu dùng, kích cầu để giải phóng hàng tồn kho...
Đẩy nhanh việc giải ngân và ứng vốn cho nền kinh tế bằng cách tăng cường các biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; cho sử dụng các khoản phải tạm dừng để kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết số 11/NQ-Chính phủ. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.
Khẩn trương tổng hợp nhu cầu vốn ứng trước NSTW và vốn TPCP trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản để khơi thông dòng vốn, tăng tiêu thụ vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện,…
Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động điều hành kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý. Khẩn trương cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu bằng nhiều biện pháp đồng bộ gắn với việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra...
Nguyễn Lan