Chính phủ cho phép Bamboo Airways tăng số máy bay lên 30
Theo Quyết định số 1014/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ngày 14/8/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, quy mô đội bay của Bamboo Airways được chính phức phê duyệt điều chỉnh tăng lên số lượng 30 máy bay đến năm 2023, bao gồm loại tàu bay thân hẹp Airbus A319/A320/A321 và loại tàu bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing B787. Cùng với đó, vốn góp tăng lên 1.300 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu đã góp đủ 100%).
Trước đó, Bamboo Airways đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư nội dung kế hoạch phát triển đội bay theo yêu cầu của các Bộ, ban ngành liên quan, bao gồm kế hoạch phát triển đội tàu bay, kế hoạch nguồn vốn, kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính của dự án...
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thẩm định và cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo đúng quy định của pháp luật sau khi Quyết định có hiệu lực, việc cấp phép phải phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều kiện để khai thác ổn định
Theo Bộ Giao thông vận tải, quyết định 236/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 có mục tiêu tăng trưởng thị trường hàng không trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2020-2030.
Với tốc độ tăng trưởng trên, tổng thị trường năm 2023 dự báo đạt hơn 117 triệu khách. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển xấp xỉ 85 triệu khách, cần 340 chiếc máy bay vào năm 2023 (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250 ngàn khách/tàu bay/năm).
Từ thực tiễn kinh doanh vận chuyển hàng không, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhận định Hãng hàng không muốn khai thác ổn định, có hiệu quả thì quy mô đội tàu bay tối thiểu phải từ 25-30 tàu bay.
Hiện Bamboo Airways đang khai thác 25 đường bay nội địa và quốc tế đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hãng hàng không đang nghiên cứu tiến tới đưa vào triển khai đường bay quốc tế đường dài sang Đức, Cộng hòa Czech, Anh và đặc biệt là đường bay thẳng tới Mỹ.
Sau một năm ra mắt, trong tháng 8 này, Bamboo Airways sẽ đón chuyến bay thứ 10.000, với tỷ lệ lấp đầy đạt trung bình 90%, tỷ lệ đúng giờ xấp xỉ 93,8%, cao nhất toàn ngành 6 tháng đầu năm 2019 và tỷ lệ an toàn tuyệt đối 100%.
Những chiếc máy bay thân rộng đầu tiên dự kiến sẽ được Boeing bàn giao cho Bamboo Airways vào quý IV/2020. Trước đó, để phục vụ hoạt động của Hãng, Bamboo Airways đang lên kế hoạch thuê máy bay với các đối tác, tiến tới đưa vào khai thác mẫu máy bay Boeing 787–9 ngay trong năm 2019.
Chuẩn bị sẵn sàng
Theo quy định, doanh nghiệp được khai thác trên 30 máy bay nếu có vốn từ 1.300 tỷ đồng trở lên với hãng có tuyến quốc tế, và trên 700 tỷ đồng với hãng chỉ khai thác hàng không trong nước.
Trong Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Tập đoàn FLC tổ chức cuối tháng 6/2019, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết trong khi chờ Bộ Giao thông vận tải và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tăng quy mô đội bay, Bamboo Airways đã chuẩn bị tương đối sẵn sàng và đang duy trì bộ máy nhân sự, cơ sở hạ tầng đủ cho khai thác 30 - 40 máy bay.
Hãng hiện có hơn 300 phi công đang làm việc và gần 80% trong số đó là phi công nước ngoài. Một máy bay cần trung bình 11-14 phi công (tùy loại thân hẹp hay thân rộng) để vận hành ổn định, nếu nhìn theo góc độ này thì với tổng số 300 phi công hiện tại, Bamboo Airways đang "dư" gần 200 phi công, sẵn sàng chờ đón các máy bay sắp được bổ sung.
Ông cũng nhấn mạnh khả năng sinh lợi nhuận ngay trong quý I/2020 của Bamboo Airways phụ thuộc rất lớn vào quyết định phê duyệt của Chính phủ về quy mô đội bay Hãng.
PV