Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Xuất khẩu dệt may Việt Nam hưởng lợi?
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc thuế tăng lên mặt hàng may mặc có xuất xứ Trung Quốc sẽ khiến cho các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng như các công ty nội địa Trung Quốc có động cơ mạnh hơn để chuyển hướng các đơn hàng cũng như hoạt động sản xuất mặt hàng may mặc sang các nước khác nhằm tránh thuế.
Do đó, các nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Bangladesh, Campuchia... sẽ được hưởng lợi khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Năm 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỷ USD, tương đương gần 50% tổng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới. Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế từ 8-10%.
BVSC cho rằng ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nhờ hai khía cạnh.
Thứ nhất là đồng NDT mất giá mạnh so với USD, qua đó NDT cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn.
Thứ hai là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn.
Tuy vậy, quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và từ từ. Các doanh nghiệp dệt may hiện đang niêm yết trên sàn như CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM), CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC)... sẽ được hưởng lợi nhưng mức độ có thể không quá đột biến.
Lý do là các doanh nghiệp này hiện đã chạy hết công suất cũng như chưa có kế hoạch đầu tư thêm trong ngắn hạn. Nếu lấy thêm được đơn hàng từ Mỹ, các doanh nghiệp này cũng sẽ phải thuê gia công bên ngoài và chấp nhận mức biên lợi nhuận thấp hơn.
Tại Phiên thảo luận về thương mai và kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Hà Nội, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang ngày càng căng thẳng sẽ có những tác động, hạn chế nhất định. Tuy nhiên, ông Alan Bollard cho rằng, có căng thẳng nhất định nhưng Việt Nam lại là nước có lợi thế so sánh so với Trung Quốc như nhân công rẻ hơn. Do đó, sau khi có căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang nước khác, trong đó có Việt Nam.
"Tiếp theo chiến tranh thương mại sẽ có thay đổi trong quy trình sản xuất, trước đây Trung Quốc giống như phân xưởng của thế giới với tất cả những lợi thế về sản xuất như vậy nhưng giờ người ta cũng xem xét chuyển dịch, một số nước sẽ có cơ hội. Ngoài ra, với căng thẳng như vậy, nhiều vùng trên thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng một số quốc gia thì lại tốt lên", ông Alan Bollard nói.