Chiến thuật tinh vi của ông Donald Trump nhằm vào truyền thông Mỹ
BuzzFeed cho hay, kể từ khi nhậm chức hôm 20/1, mặc dù rất bận rộn với vai trò là tân Tổng thống Mỹ nhưng ông Donald Trump đã đăng tải tới 23 thông điệp lên Twitter có từ “Fake News” (hãng tin, tờ báo giả mạo) để chỉ trích nhiều hãng tin tờ báo khác nhau. Đấy là còn chưa kể đến những thông điệp chỉ trích truyền thông nhưng không có từ “Fake News”.
Ông cũng từng mắng mỏ một số phóng viên trong các cuộc họp báo, cũng như chỉ trích một số bài viết từ CNN, New York Times và Washington Post. Ông phê phán việc sử dụng các nguồn tin giấu tên và cho rằng đó là những câu chuyện hoàn toàn bịa đặt để làm mất uy tín của ông. Ông thường xuyên cho rằng, các phương tiện truyền thông giả mạo không nói sự thật và họ là mối nguy hiểm lớn đối với nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Chỉ riêng trong tuần này, ông Donald Trump đã đăng tải tới 8 thông điệp riêng biệt để chỉ trích truyền thông. Đặc biệt, sau khi CNN gỡ một bài viết liên quan đến Nga, ông đã tung ra một loạt những lời chỉ trích hả hê, không chỉ nhằm vào CNN và còn vào nhiều hãng tin, tờ báo khác của Mỹ như New York Times, Washington Post… Ông phàn nàn về việc New York Times đã không liên hệ với Nhà Trắng khi thực hiện một bài viết gần đây và thậm chí ông còn chia sẻ hình ảnh logo của CNN bị chế thành FNN (Fake News Network – Hãng tin giả mạo).
Gần đây nhất là sáng ngày 29/6, Tổng thống Donald Trump đã lên Twitter bêu xấu ngoại hình và tính khí của một nữ MC truyền hình sau khi cô cùng đồng nghiệp giễu cợt ông trong chương trình của họ. Ông Trump viết: "Tôi nghe nói chương trình có tỷ lệ người xem tệ hại Morning Joe đã nói xấu tôi (đừng xem nó nữa). Rồi Mika Khùng IQ thấp, cùng với Joe Điên đã đến Mar-a-Lago trong 3 đêm vào dịp năm mới, năn nỉ được nhập hội cùng tôi. Cô ta bị chảy máu vì bơm căng mặt. Tôi nói không!".
Mặc dù các cuộc tấn công của ông Trump nhằm vào truyền thông cũng đã giúp một số tờ báo thu hút được nhiều độc giả hơn, nhưng uy tín của các phương tiện truyền thông chính thống cũng đã bị giảm mạnh. Theo các cuộc thăm dò dư luận, sự tin tưởng của người dân vào truyền thông đã bị suy giảm nặng nề. Theo BuzzFeed, ông Trump đã “vũ khí hóa” điều đó trong suốt chiến dịch tranh cử và giờ dùng nó để thúc đẩy kế hoạch chống truyền thông.
Những thông điệp có từ Fake News của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter. |
Đồng thời với việc làm mất uy tín của CNN, New York Times, Washington Post, và nhiều hãng tin tờ báo khác, ông Trump cũng cố tạo ra được mối quan hệ tốt với những người làm truyền thông ủng hộ ông. Điều đó đã được nhà báo Brian Stelter viết vào mùa hè năm ngoái trong bài viết có tiêu đề "Donald Trump thực sự yêu thích truyền thông". Bài báo đó cho hay, ông Trump đã khen ngợi ông Rupert Murdoch, người sở hữu Fox News là một "con người vĩ đại". Ông cũng gọi Giám đốc điều hành của CBS, Les Moonves, là “người tuyệt vời nhất”…
Theo BuzzFeed, kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức, thậm chí cả trước đó, một số phương tiện truyền thông, những nhân vật có ảnh hưởng hay những người được theo dõi nhiều trên các mạng xã hội ủng hộ ông Trump dường như đã tiến hành một cuộc chiến thông tin với hy vọng phá hủy sự tín nhiệm và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông chính thống hay có luận điệu đả kích ông Trump.
Hồi tháng trước, nữ diễn viên hài Kathy Griffin của CNN đã hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề khi giơ cái đầu giả của Tổng thống Donald Trump trong một chương trình hài kịch. Những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội ủng hộ ông Donald Trump như Mike Cernovich và Alex Jones đã đăng tải thông điệp kèm hashtag #CNNisISIS (CNN là IS).
Chủ nhật tuần trước, trước Nhà Trắng, những người ủng hộ ông Trump còn mặc áo phông in hình Griffín kèm dòng chữ “những kẻ khủng bố CNN”.
BuzzFeed News dẫn lời Mike Cernovich cho hay: "Ông Trump đã tiến hành một cuộc chiến toàn diện chống lại các phương tiện truyền thông nhưng chúng ta không nên ngạc nhiên bởi những người ủng hộ lớn nhất của ông đã kêu gọi ông làm như vậy. Khi ông ấy tiến hành cuộc chiến, chúng tôi sẽ làm theo”.
Khi chứng kiến cuộc chiến của ông Trump với giới truyền thông, nhiều người tự hỏi liệu cuộc chiến này sẽ đi về đâu. Tháng 3/2017, công ty khảo sát Morning Consult công bố một nghiên cứu cho thấy, một nửa số người Mỹ cho rằng các nhà báo không nên trích dẫn các nguồn giấu tên trong các bài báo của họ. Nhiều người nghĩ rằng nguồn tin giấu tên là nguồn do các phóng viên tự nghĩ ra.
Dường như kết quả cuộc chiến của ông Trump đối với truyền thông được thể hiện qua việc niềm tin của người dân Mỹ vào truyền thông chính thống sụt giảm mạnh. Theo cuộc khảo sát mới nhất của hãng thăm dò dư luận có tiếng Harvard-Harris hồi tháng Năm vừa qua, 65% (gần hai phần ba người Mỹ) cho biết rằng truyền thông chính thống Mỹ tràn ngập thông tin giả mạo.