Chỉ số PMI của Việt Nam lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng
Đây là mức điểm cao nhất trong vòng 18 tháng qua, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của khu vực sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 11, với tốc độ tăng đã được đẩy nhanh tháng thứ ba liên tiếp và trở thành mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2015. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng giúp sản lượng tăng mạnh và nhanh nhất trong thời kỳ 16 tháng. Ngoài ra, các nhà sản xuất Việt Nam cũng tuyển thêm nhân viên trong tháng 11 với tốc độ tuyển dụng nhanh hơn so với tháng trước.
Việc lĩnh vực sản xuất tiếp tục xu hướng mở rộng trong các tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ là điều có thể dự đoán trước, tuy nhiên mức độ cải thiện mạnh hơn kỳ vọng của chỉ số PMI được xem là một yếu tố gây bất ngờ. Đây sẽ là cơ sở để thêm tin tưởng về khả năng tăng trưởng GDP sẽ tăng tốc trong quý IV và đạt mức 6,3-6,5% cho cả năm nay.
Như vậy, có 3 điểm đáng chú ý trong báo cáo của Nikkei. Thứ nhất, chỉ số đơn hàng xuất khẩu và việc làm tăng nhanh hơn tháng trước, cho thấy sự cải thiện trong nhu cầu bên ngoài và thị trường lao động. Diễn biến này cũng gắn liền với sự phục hồi trong tăng trưởng thương mại vài tháng trở lại đây. Thứ hai, chỉ số sản lượng phục hồi nhanh chóng sau khi giảm trong tháng trước, lên mức cao nhất trong 16 tháng. Điều này hàm ý khu vực sản xuất vẫn đang rất dẻo dai, kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của quý cuối năm. Cuối cùng, hai chỉ số giá đầu vào và đầu ra tiếp tục leo thang trong tháng 11, gây áp lực lên chỉ số giá sản xuất và tiêu dùng. Tốc độ tăng nhanh của giá hàng hóa trong lĩnh vực sản xuất sẽ là mối lo lớn của nhà điều hành trong việc kiềm giữ lạm phát dưới mức 5% trong năm 2017.