Cháy nhà lòi ra… dây điện “dỏm”
Dây điện “dỏm” vẫn còn đất sống
Dạo qua các khu vực, chợ chuyên bán thiết bị, dây cáp điện ở TP.HCM như: Tạ Uyên, Kim Biên (quận 5); chợ Dân Sinh, đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1), Lý Thường Kiệt, (quận 10), Lê Văn Sĩ (quận 3), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh)… ngoài những sản phẩm có thương hiệu như Cadivi, Thăng Long, Điện Thắng, Daphaco… còn có nhiều hàng “tổ hợp”.
Tại cửa hàng H.H trên đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng (quận 7), anh Lê Hoàng Hải, chủ cửa hàng cho biết: “Thợ, thầu lắp điện bao dây cho các công trình nhà dân dụng, nhà xưởng thường không mua hàng tốt mà chỉ xài hàng “tổ hợp” để có lợi. Bởi giá 1m dây điện “xịn” có thương hiệu (loại có tiết diện 3.5mm) thường đắt hơn 1.000 - 1.200 đồng/m so với dây điện cùng loại của các hãng “tổ hợp” ít tên tuổi”.
Người tiêu dùng nên chọn hàng có chất lượng và thương hiệu lớn. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet. |
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, dây và cáp điện kém chất lượng thường không tuân thủ tiêu chuẩn về ruột dẫn và vỏ bọc cách điện. Hiện tượng phổ biến nhất là rút bớt lõi đồng của dây cáp, không bảo đảm tiết diện ruột dẫn, sử dụng loại đồng có nhiều tạp chất, độ tinh khiết thấp, đường kính các sợi nhỏ và số sợi thiếu, vì vậy, tiết diện của các ruột dẫn nhỏ hơn so với quy định làm cho điện trở dây dẫn tăng, gây tổn thất điện. Chẳng hạn, nhãn bên ngoài dây cáp điện ghi lõi 2,5mm, nhưng thực tế chỉ có 2mm. Thậm chí, một số sản phẩm dán nhãn tên cơ sở A, nhưng trên sợi dây lại ghi tên của một nhãn hiệu khác, hoặc những cuộn dây hoàn toàn không có nhãn hiệu, nguồn gốc.
Do đó, khả năng chịu cường độ dòng điện kém do tiết diện nhỏ và điện trở lớn, gây quá tải và phát nóng. Thêm vào đó, phần vỏ cách điện của dây được làm bằng nhựa kém chất lượng hoặc nhựa tái chế nên xốp, bở, giòn, dễ gãy nứt khi uốn, lắp đặt, do vậy trong quá trình sử dụng nhanh chóng bị lão hóa, nóng chập cháy, rò điện.
Trong đợt khảo sát vừa qua của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, tại nhiều tỉnh thành một số mẫu dây lõi đơn cứng và lõi đôi mềm mà nhiều người vẫn quen sử dụng là hàng “tổ hợp”. Tuy nhiên, giá bán có sự chênh lệch cao hơn từ 500 - 1.000 đồng/m so với thành thị.
Nhiều sản phẩm thiếu an toàn
Theo kết quả khảo sát chất lượng dây điện bọc nhựa PVC tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng cho thấy, trong gần 40 mẫu dây/cáp do 15 đơn vị sản xuất mua ngẫu nhiên gửi đến Trung tâm Kỹ thuật 3 và các chuyên gia để kiểm tra 5 chỉ tiêu chính theo TCVN 6610 cho kết quả có hơn phân nửa không phù hợp các chỉ tiêu quy định, chỉ có 12 mẫu phù hợp các quy định. Nhiều mẫu có các chỉ tiêu không phù hợp do các lỗi nghiêm trọng về ghi nhãn và ký hiệu trên dây/cáp, 23% mẫu không đạt chỉ tiêu vật liệu ruột dẫn; 50% mẫu không đạt kết cấu ruột dẫn; 68% mẫu không đạt điện trở ruột dẫn…
Sau một thời gian ngắn sử dụng, hàng “dỏm” sẽ bộc lộ ngay các khuyết tật như: nơi tiếp xúc hở dạt (thậm chí không còn khả năng dẫn điện); lớp nhựa bảo vệ bên ngoài rạn nứt, rò điện gây chập điện và phát hỏa.
Theo Vụ Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL), dây và cáp cách điện bọc nhựa PVC trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Thế nhưng hiện nay, nhằm lách luật một số doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu đã cố tình làm và nhập khẩu những loại dây, cáp có mặt cắt danh nghĩa của ruột dẫn không theo tiêu chuẩn quốc gia, dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát, đồng thời gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng. Việc làm này còn nhằm trốn tránh không phải thực hiện chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR, đăng ký hồ sơ chất lượng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 4.
Theo Hiệp Hội các doanh nghiệp sản xuất dây dẫn điện Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 70 doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng dây và cáp điện, tăng bình quân 15 - 20%/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước, trong đó có những công ty lớn với 100% vốn trong nước như: Công ty Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty Cơ điện Trần Phú, Công ty Tân Cường Thành, LG-Vina, Sumi – Hanel…