“Chạy” công chức: “Xử thật nghiêm, bất kể người đó là ai”
Sau một thời gian thanh kiểm tra, có lẽ Sở Nội Vụ Hà Nội đã làm yên lòng khá nhiều cán bộ công chức khi đưa ra kết luận: không phát hiện ra trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để chạy công chức.
Trước đó, Trưởng ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực đã lên tiếng phản ánh tình trạng “chạy công chức không dưới 100 triệu đồng”. Ít ngày sau Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra tại ba quận, huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Hà Đông.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Sẽ không có vùng cấm trong việc xử lý những trường hợp "chạy" công chức |
Qua thanh tra đã phát hiện 43 trường hợp giả mạo bằng cấp 3 để đi học trung cấp chuyên nghiệp. Riêng ở huyện Ứng Hòa phát hiện 16 thí sinh dự tuyển chỉ tiêu giáo viên khối tiểu học xin nâng điểm phần thi thực hành. Tuy nhiên đoàn thanh tra không phát hiện ra trường hợp nào “mua bán” công chức.
Theo Giám đốc Sở Nội Vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, trước khi tiến hành thanh tra đã trực tiếp đến tìm hiểu thông tin từ ông Trần Trọng Dực. Đúng như tinh thần phát biểu tại kỳ họp HĐND trước đó, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy phản ánh lại rằng, thông tin ông nhận được là qua dư luận phản ánh.
Tuy nhiên ông Sáng cũng thừa nhận: “Công tác thi tuyển công chức là vấn đề nhạy cảm, và tương đối phức tạp. Thậm chí có đối tượng còn mạo danh, hứa hẹn “chạy” công chức để chiếm đoạt tài sản của người dân. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện các quy định tuyển dụng để phòng chống tiêu cực”.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi khẳng định thông tin ông Dực đưa ra được đông đảo người dân rất quan tâm, chờ đợi kết quả thanh tra, xem thực hư chuyện “chạy” công chức là thế nào. Bản thân ông Lợi cũng đã tìm gặp ông Dực để tìm hiểu thêm thông tin và cũng nhận được phản ánh tương tự như ông Sáng.
Sở Nội Vụ Hà Nội khẳng định chưa phát hiện chuyện chạy công chức không dưới 100 triệu đồng như ông Trần Trọng Dực phản ánh |
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, Hà Nội rất coi trọng việc thi tuyển công chức, viên chức. “Chạy công chức cũng như tham nhũng, ở đâu cũng nghe thấy. Nhưng chạy ở đâu, ai chạy, chạy ai thì không dễ để tìm ra được”.
Dù chưa “tóm” được trường hợp nào, nhưng ông Lợi khẳng định: “Sẽ không có vùng cấm trong việc chạy công chức. Nếu phát hiện sai phạm, bất kể người đó là ai cũng sẽ bị xử lý một cách nghiêm minh”.
Trước đó, tại phiên bế mạc HĐND, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực đã phản ánh tình trạng chạy công chức không dưới 100 triệu đồng ở Hà Nội. Đầu mối nhận tiền “chạy” là trưởng phòng nội vụ các quận, huyện. Tuy nhiên những thông tin này ông Dực không khẳng định mà chỉ là nghe qua dư luận phản ánh.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề phát ngôn của đại biểu, GS Nguyễn Minh Thuyết, người đã có nhiều năm kinh nghiệm tại nghị trường cho biết, đại biểu có quyền nêu ra vấn đề dưới dạng khẳng định, hoặc theo kiểu nghe dư luận phản ánh. Nếu đại biểu khẳng định thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình. Ngược lại nếu chỉ nghe phản ánh từ dư luận thì đại biểu có quyền yêu cầu cơ quan chức năng tìm hiểu xác minh xem vấn đề dư luận phản ánh đúng hay sai.
Như vậy có thể hiểu, trong trường hợp của ông Trần Trọng Dực nêu vấn đề dưới dạng “nghe dư luận phản ánh”, vì thế ông Dực sẽ không phải chịu trách nhiệm khi không có chuyện “chạy” công chức 100 triệu đồng như dư luận phản ánh.