Chất vấn HĐND Hà Nội: Mổ xẻ các dự án trây ì nhiều năm
Mở đầu phiên chất vấn, bà Phạm Thị Thanh Mai, ĐB quận Hà Đông cho rằng đất đai là nguồn lực quan trọng và luôn là lĩnh vực khó. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai nêu một số dự án thuộc các xã ở Hòa Bình đã phê duyệt sử dụng đất với số tiền 2500 tỷ đồng, nhưng hầu hết đơn vị chưa nộp, tại sao và trách nhiệm này của ngành nào?
Tháng 9/2012 thường trực HĐND tổ chức giám sát thấy nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực đất đai. Ví dụ Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính, việc xé rào thủ tục của dự án này như thế nào, UBND sẽ giải quyết ra sao đối với dự án này? Hay Nhà máy xử lý rác thải Thanh Trì, khâu GPMB đã xong và dự án này đã giao cho một đơn vị thực hiện, nhưng đơn vị này lại không hề triển khai, chỉ để đó từ năm 2003 đến nay. Hướng giải quyết dự án này như thế nào?
ĐB Nguyễn Hoài Nam chất vấn xoay quanh việc quy hoạch quản lý đất đai |
Ngoài một số dự án kể trên, ĐB Trần Văn Khương, đoàn Thanh Trì cũng phản ánh tình trạng để hoang hóa trong nhiều năm của dự án Công ty phát hành sách HN nhưng chưa được giải quyết.
ĐB Nguyễn Hoài Nam chất vấn: Công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất chưa chặt chẽ, đa số áp dụng chỉ định thầu dẫn đến thay đổi mục đích sử dụng, tăng diện tích dự án… Làm gì để khắc phục tình trạng này?
Việc thu hồi đất rất phức tạp khó khăn, nhưng khi thu hồi đất của dân lại làm rất kiên quyết, thậm chí còn cưỡng chế. Nhưng thu hồi đất các dự án, có những dự án 10 năm không triển khai, biến thành quán bia, chỗ gửi xe ở những vị trí rất đẹp ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm rất chậm. Phải chăng có vấn đề gì ở đây? Đề nghị UBND làm rõ vấn đề này.
Liên quan đến dự án khu liền kề Mỗ Lao, Hà Đông của Công ty Sơn Tùng, 2/4 nội dung tố cáo của người dân được TP xác định đúng, là: chủ đầu tư không có năng lực, huy động vốn trái phép. Nhưng sau đó lại cho triển khai xây dựng, vậy việc này như thế nào? Hay phần đất Trung tâm Y tế lại liên doanh liên kết với một đơn vị để xây dựng nhà ở thương mại. Có nên thu hồi dự án này trả lại cho sở Y tế không?
Ông Nguyễn Xuân Diên, ĐB Ứng Hòa chất vấn: Các dự án chậm triển khai đang hoang hóa phải xác định là vi phạm pháp luật, gây lãng phí đất, ảnh hưởng đến niềm tin trong nhân dân. Tới đây chúng ta phải kiên quyết làm như thế nào?
Bà Trần Thị Thanh Nhàn, ĐB Hoàng Mai phản ánh dự án của Công ty Kính mắt Hà Nội, đã GPMB được 5 – 6 năm nhưng không được thực hiện. Đề nghị Hà Nội kiểm tra lại năng lực của chủ đầu tư và thực hiện thu hồi.
Giải đáp những chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, về các dự án ở Hòa Bình, UBND đã nhận được ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Riêng nghĩa vụ tài chính, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại theo quy định. Vì trước đây có những dự án chỉ tạm tính, còn tới đây sẽ phải tính toán lại cụ thể từng dự án.
Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính được dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Ảnh TP |
Đối với dự án Hồ điều hòa Nhân Chính, diện tích 12,3 ha của Tập đoàn Megastar, về mặt pháp lý TP giao cho UBND quận Thanh Xuân GPMB theo quy hoạch, đồng thời giao cho DN nghiên cứu lập quy hoạch. Nhưng các loại dự án như thế này cũng làm chậm, Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm về việc này.
Về dự án Công ty sách ở Thanh Trì, quan điểm của Hà Nội là bác bỏ dự án này. Đồng thời đã giao cho Sở KH&ĐT nghiên cứu, lập hồ sơ thu hồi đất theo đúng quy định.
Ông Khanh khẳng định, các dự án để hoang hóa bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết do chủ đầu tư, một số đơn vị không gương mẫu để thực hiện. Thứ hai do công tác quản lý. Theo quan điểm của UBND, tất cả các dự án vi phạm đều phải thanh kiểm tra và xử lý. Bên cạnh đó việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai có nơi còn chưa tốt. Nguyên nhân thứ ba là việc hợp nhất Thủ đô, yêu cầu đầu tiên là phải tập trung xây dựng quy hoạch, xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại. Sau đó sẽ tiến hành rà soát, xác định đơn vị nào tiếp tục triển khai, đơn vị nào phải dừng lại. Thứ tư, chúng ta đang trong thời điểm khó khăn về kinh tế khiến nhiều DN phải xin gia hạn triển khai dự án.
Đối với việc thu hồi, không có quan điểm làm nặng dân, làm nhẹ DN như ĐB phản ánh. Dự án đến mức phải thu hồi mà không làm thì đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Nếu phát hiện ra đơn vị nào bao che, bảo kê sẽ tiến hành thanh tra, xử lý theo quy định.
Với một số dự án cụ thể khác, như dự án Trung tâm Y tế, UBND đã tiến hành thu hồi. Dự án của Công ty Kính mắt Hà Nội, UBND TP đã đề nghị Giám đốc Sở TN&MT xem xét kiểm tra lại. Một số lĩnh vực khác ông Khanh yêu cầu các sở ngành giải đáp chất vấn của các ĐB.