Chất vấn Bộ trưởng Thăng: Có nên cho đường sắt trên cao đi trong hộp?
Đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi như trên với Bộ trưởng Đinh La Thăng sau vụ tai nạn chết người ở khu vực thi công đường sắt Cát Linh – Hà Đông vừa qua.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn chiều 18/11 (Ảnh: ND) |
An toàn là số một
Liên quan đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tuyến đường này sử dụng công nghệ quốc gia nào? Công nghệ này cũ hay mới, và vì sao tiến độ quá chậm như vậy?
Đại biểu Đương nêu: "Tôi và nhiều cử tri hàng ngày đi tuyến đường này rất đáng lo ngại. Vì nó treo hàng nghìn phương tiện trên đầu người đi đường.
Khi đưa công trình này vào khai thác thì có tuyệt đối an toàn không? Nếu không an toàn, Bộ trưởng suy nghĩ thế nào? Dù có tốn thêm kinh phí, nhưng có nên cho nó chạy trong hộp để đảm bảo an toàn không?"
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đây là câu hỏi nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc và phía bạn làm nhà thầu thi công. Công trình được thiết kế 40km/giờ, cao nhất 60km/giờ, sử dụng công nghệ của Trung Quốc mới nhất.
Để đảm bảo an toàn, Bộ trưởng Thăng cho biết đã phê duyệt biện pháp đảm bảo an toàn thi công, tổ chức thi công, an toàn cho người dân đi lại, đặc biệt trong thành phố.
“Trước sự cố đáng tiếc vừa qua, chúng tôi đã xử lý trách nhiệm của bên liên quan. Đồng thời dừng dự án để kiểm tra cụ thể, chỗ nào đảm bảo đúng thiết kế thi công thì mới cho thi công trở lại”.
Bộ trưởng GTVT cũng khẳng định, để đảm bảo an toàn cho dự án này, Bộ đã chuẩn bị khi dự án hoàn thành phải tổ chức nghiệm thu, tiêu chuẩn an toàn là số một, sau đó mới là hiệu quả.
“Chúng tôi sẽ tổ chức giám sát theo đúng thiết kế an toàn tuyệt đối cho người dân” – Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Giá hàng không Việt Nam thấp hơn Thái Lan
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt câu hỏi: Đâu là giải pháp để giá vận tải đường bộ, hàng không hợp lý? Nếu sân bay Long Thành được triển khai, việc giải quyết giá cước thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cũng nêu băn khoăn, sau khi thực hiện chuyển giao một số công trình giao thông như đường cao tốc cho các đối tác thì việc thu phí sau đó sẽ thế nào? Hiện cả nước có bao nhiêu dự án chuyển giao quyền khai thác?
Tương tự đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Thái Bình) cũng chất vấn về mức thu phí ở các dự án đường BOT có cao không và mức thu này so với thế giới và các nước trong khu vực ra sao?
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đang thực hiện tái cơ cấu ngành GTVT với mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm chi phí, trên cơ sở đó điều chỉnh giá cước, cũng như phát huy lợi thế ở Việt Nam.
Riêng cước vận tải đường sắt đang giảm, tới đây sẽ giảm giá vé từ 11 – 17% trong dịp Tết. Lĩnh vực hàng không cũng đang được đẩy mạnh xã hội hóa. Mặc dù giá xăng tăng nhưng từ năm 2011 đến nay giá hàng không vẫn không tăng giá. Giá cước hàng không thấp hơn so với Thái Lan.
Về việc chuyển giao đường cao tốc, Bộ trưởng Thăng cho biết, việc này đã làm nhưng phải làm tổng thể và nhiều hơn nữa. Ví như cao tốc đã chuyển được 500 km, qua đó sẽ lấy nguồn huy động này làm thêm 500 km đường cao tốc mới nữa.
Đối với việc thu phí BOT, ông Thăng khẳng định, mức thu phải theo quy định của pháp luật, chứ không phải muốn thu bao nhiêu thì thu. Một số tuyến đường đưa vào khai thác, như Hà Nội – Lào Cai có ý kiến mức thu quá cao. Theo Bộ trưởng Thăng, khi đường này hoạt động sẽ giảm được chi phí 30%, an toàn hơn và thời gian đi lại giảm một nửa so với trước.
Bộ trưởng Thăng cũng nói thêm từ khi tuyến đường này đi vào hoạt động, lượng khách đi đường sắt Hà Nội – Lào Cai đã giảm đi một nửa. Trước thực trạng này, Bộ phải lập đề án kết nối các phương tiện vận tải.