Chấp nhận kiếp "đá vọng phu" để được sống cảnh "vợ đại gia"
Ảnh minh họa |
Tôi gặp chị trong bữa tiệc đầy tháng con của một người bạn. Hôm đó, chị với tư cách là mẹ đỡ đầu của đứa bé. Suốt cả bữa tiệc chị hạnh phúc cười nói, bế bồng nó như thể chính chị mới là mẹ đẻ. Quà tặng chị mua cho nó chất đầy trên bàn, lại toàn hàng hiệu khiến ai cũng trầm trồ. Khen chị mãi, nhiều người quay sang nửa đùa nửa thật: “Yêu trẻ con thế, sao chị không sinh cho mình một đứa?”. Nghe thế, chị trầm hẳn, nỗi buồn chất chứa. Khuya tiệc tàn, chị vẫn nấn ná ở lại để được ôm ấp đứa bé, chỉ đến khi khách về hết, chị mới miễn cưỡng đứng lên từ biệt mọi người.
Chị là con gái Hà Nội, đẹp người đẹp nết, được ăn học đàng hoàng. Tốt nghiệp đại học, chị vào làm cho một doanh nghiệp nước ngoài. Tại đây, chị quen một việt kiều giàu có. Bấy giờ, mốt lấy chồng Việt kiều đang thịnh hành trong một bộ phận giới trẻ. Chị cũng là một trong số những cô gái có ước mơ lấy được chồng Việt kiều, ra nước ngoài định cư sống sung sướng. Bởi vậy khi anh chàng Việt kiều ngỏ lời yêu, chị vội vã nhận lời dù trái tim chưa rung động. Không chỉ có chị mà gia đình chị cũng hãnh diện bởi chàng rể có quốc tịch Mỹ, là đại gia trong giới Việt kiều về nước đầu tư làm ăn. Cưới xong, anh chồng tậu luôn một biệt thự lớn ở Hà Nội, mua xe hơi ngay cho vợ, chị không phải vất vả đi làm chỉ ở nhà làm đẹp để cùng chồng tham gia các buổi ngoại giao làm ăn của anh. Cuộc hôn nhân của chị mỹ mãn được ba năm đầu. Sau đó, chị giống như nàng Chức Nữ lạc ở chốn thị thành, mỗi năm chỉ gặp chồng một lần, thậm chí hai năm một lần.
- Anh ấy nói công ty do anh quản lý ở bên Mỹ đang có vấn đề nên phải về bên đó để xử lý. Tôi cứ ngỡ khi mọi việc sắp xếp ổn thỏa thì anh sẽ quay về Việt Nam, hoặc đón vợ sang cùng để đoàn tụ. Nhưng giờ tôi mới biết anh chưa từng có ý định đưa tôi sang Mỹ bởi đã có vợ con bên đó. Hóa ra, tôi chỉ là vợ lẽ của anh ở Việt Nam. Trong thời gian đầu tư làm ăn ở đây, anh cần một người phụ nữ nâng giấc mỗi đêm, làm đẹp hình ảnh, để giao thiệp thuận lợi hơn trong công việc làm ăn. Và tôi đã lọt vào tầm ngắm của anh. Khi tôi phát hiện sự thật, anh bảo cả tôi và gia đình bên Mỹ anh đều muốn có. Vì vậy tôi nên chấp nhận để chồng “một bến hai đò” vì nó có lợi cho cả hai. Phần không muốn mất đi cuộc sống làm vợ đại gia ăn sung mặc sướng, người thân được “hưởng phúc” theo, phần ngại ly hôn sẽ mang tiếng “gái một lần đò” khó tìm hạnh phúc mới, nên tôi chấp nhận cảnh chung chồng với người khác.
Năm năm trở lại đây, công việc làm ăn ở bên Mỹ bận rộn nên anh ít về Việt Nam. Mỗi năm một lần anh cố gắng kết hợp với công việc về nước thăm chị vài ngày rồi đi. Nếu không cố gắng được thì chị phải đợi hai năm hoặc hơn nữa mới được gặp anh. Dù anh cố gắng xóa nỗi trống trải cô đơn cho chị bằng cách liên lạc qua mạng thường xuyên.
Nhưng sự gặp gỡ trên thế giới ảo vẫn không thể bù đắp tình cảm vợ chồng thiếu hụt mỗi ngày mà chị phải chịu. Rất nhiều lần, chị cầu khẩn anh hãy cho chị một đứa con. Nó sẽ là nguồn vui, niềm hạnh phúc để chị thấy được cuộc sống hôn nhân với anh vẫn còn ý nghĩa. Thế nhưng những lần gặp nhau vội vã rồi ra đi, anh vẫn không thể nào cho chị toại nguyện. Nhìn thấy cảnh sống có chồng cũng như không ấy, có người xui chị “tìm tình” bên ngoài. Những lúc yếu lòng bởi nỗi cô đơn dằng dặc, chị cũng định xiêu lòng trước cám dỗ. Nhưng chồng chị là người đàn ông canh giữ vợ rất chặt dù ở tít tận trời Tây. Nhất cử nhất động của chị ở Việt Nam đều được anh tài xế, chị giúp việc, quản lý công ty báo lại hàng ngày cho anh ở Mỹ. Bởi vậy, hễ chị có động thái gì là anh đã gọi điện về nhắc nhở. Giờ chị mới hiểu, tiêu tiền của đại gia không hề dễ dàng.
Thời gian trôi qua đuổi luôn tuổi xuân của chị. Giờ chị đã ở tuổi khó sinh nở, niềm hạnh phúc có con để làm mẹ cũng xa vời dần.
Theo Hạ Thi/Phụ nữ Thủ đô
*Tiêu đề do BTV Infonet đặt lại