Chánh văn phòng TP.HCM: “Hoàn toàn không có chủ trương dừng BRT”
Hình ảnh đồ họa của nhà chờ và làn đường dành cho BRT trên đường Võ Văn Kiệt. |
Ngân hàng Thế giới ủng hộ
Theo ông Võ Văn Hoan, trong chuyến đi Hoa Kỳ vừa qua, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong và giám đốc các Sở đã làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có nội dung về BRT (Bus Rapid Transit – xe buýt nhanh).
“WB ủng hộ và TP rất muốn làm, nhưng WB khuyến nghị rằng phải làm kỹ hơn, từ việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức người dân, đến phân luồng tổ chức giao thông” – ông nói.
Đề cập đến tuyến BRT số 1 chạy từ Bình Chánh đi thẳng về trung tâm TP theo trục đường Võ Văn Kiệt, ông Hoan cho rằng đây là tuyến đường thuận lợi để làm vì “ngay bên bờ sông nên đi nhanh, không ảnh hưởng nhiều đến giao thông và chỉ cần dành riêng một làn thì xe buýt có thể chạy một mạch”.
Tuy vậy ông nhấn mạnh rằng khi thực hiện “phải chú ý đến tính hiệu quả, nhu cầu của người dân”.
“BRT phải nằm trong những vùng đông dân và có nhu cầu sử dụng cao, do vậy phải cân nhắc để triển khai có hiệu quả, chứ chạy một mạch mà không có khách thì cũng chết” – vị Chánh văn phòng cho hay.
Dù vậy ông Hoan khẳng định thêm một lần nữa rằng: “TP chưa có chủ trương nào dừng BRT mà phải nghiên cứu để làm”.
Trước đó, sau khi nghiên cứu Sở Giao thông vận tải TP cho rằng ở thời điểm này nếu thực hiện tuyến đường sẽ không hiệu quả.
Cụ thể, lượng hành khách năm đầu tiên chỉ khoảng 17.000 người/ngày, so với dự báo trước đây là hơn 24.000 người. Thống kê cho thấy, lượng khách này không hơn các tuyến xe buýt thường hiện nay, thậm chí ít hơn một số tuyến đông khách.
Ngoài ra kinh phí đầu tư cho BRT rất lớn. Chính vì vậy Sở cho rằng nếu mở tuyến sẽ buýt chất lượng cao TP sẽ không cần cải tạo làn đường riêng, không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, xây thêm nhà chờ, hay mua thêm phương tiện…
Dừng metro là đội giá
Liên quan đến giao thông công cộng, cũng trong cuộc họp này, khi đề cập đến sự chậm trễ trong giải ngân tại tuyến metro số 1, ông Hoan khẳng định rằng: “Bằng cách này cách kia TP vẫn phải ứng ngân sách trước để giải quyết một phần để thực hiện.
Sau đó TP phải tiếp tục kiến nghị Trung ương “bơm” ngân sách về cho chúng ta, chứ chúng ta không thể dừng lại được”.
“Chúng ta dừng lại là đội giá, dừng lại là biết bao nhiêu thứ phải giải quyết” – ông bày tỏ.
Theo ông, TP đã có kiến nghị lên Thủ tướng về vấn đề thanh toán: “Nếu xem nó như là một dự án ODA thì phải thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng, và thực hiện giải ngân theo đúng điều ước mà chúng ta đã ký, chứ không thể giải quyết theo kiểu đầu tư công - có nghĩa phải chờ, phải trình, phải xin ý kiến rất khổ”.
Được biết, Thủ tướng đang xem xét ý kiến này của TP.