Chậm giải ngân gói 30.000 tỷ: "Nới" nửa chừng
Tính đến hết tháng 10, tức là khoảng 5 tháng triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà với lãi suất 6% nhưng mới chỉ giải ngân được 300 tỷ đồng đạt hơn 1% tổng số tiền của gói hỗ trợ cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Cụ thể các ngân hàng đã giải ngân cho 920 cá nhân với dư nợ 221 tỷ đồng và 4 khách hàng doanh nghiệp cũng được rót vốn với dư nợ 91 tỷ đồng.
Việc giải ngân gói 30.000 tỷ chậm có nhiều nguyên nhân đã được xác định ngay từ những ngày đầu thực hiện gói hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Một nhân viên tín dụng tại Ngân hàng Vietinbank được biết, tại đơn vị này nguyên nhân chính tập trung ở vấn đề xác nhận thực trạng nhà ở (không xin được xác nhận của UBND phường/đơn vị công tác hoặc nội dung xác nhận không đúng quy định) hoặc chủ đầu tư không hợp tác ký hợp đồng 3 bên…Ngoài ra, vấn đề chứng minh thu nhập để trả nợ là điều kiện bắt buộc mà bất cứ ngân hàng nào cũng yêu cầu. Mới đây, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 18 nhằm nới điều kiện để người dân dễ tiếp cận hơn trong vấn đề vay gói tín dụng ưu đãi, trong đó không bắt buộc nhất thiết phải xác nhận thu nhập, trừ khi ngân hàng yêu cầu.
Nói về quy định được "nới nửa chừng" của Thông tư 18, GS. Đặng Hùng Võ nhận định "đã là quy định thì phải rõ ràng, không thuộc thẩm quyền của bất kỳ ai".
"Nếu đã nới mà còn phụ thuộc vào sự cho phép của Ngân hàng là quy định pháp luật không tốt, tạo điều kiện cho một cơ hội có thể tham nhũng, có thể không ủng hộ người nghèo", ông nói.
“Nên bỏ quy định đó, hoặc là xác nhận hoặc không, hay có thể quy định rõ trường hợp nào phải xác nhận, trường hợp nào không cần xác nhận, chứ không nên trao thẩm quyền đó cho ngân hàng. Đừng trao thẩm quyền cho bất kỳ một ai trong quá trình thực thi pháp luật sẽ là tốt hơn”, GS. Võ nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề nới rộng này, theo GS. Võ nới nữa thì cũng không có nhiều người nghèo vay được. Theo kinh nghiệm các nước, người ta dùng cơ chế khác để cho người nghèo vay như có bảo lãnh của một tổ chức nào đấy, cộng đồng đứng ra chịu trách nhiệm, chứ không bắt chứng minh khả năng trả nợ.
“Người nghèo đã không đủ tiền để đi mua, phải đi vay mà lại bắt chứng minh trả nợ thì chắc chẳng ai chứng minh được, đối tượng chứng minh trả nợ được thì không phải là đối tượng thu nhập thấp. Chúng ta nên học tập cơ chế cho người nghèo vay tiền của các nước khác thì sẽ tăng được tiến độ giải ngân và không sợ rơi vào nợ xấu, chứ nếu chúng ta cứ tiếp tục dùng 1 cơ chế cho người giàu vay tiền để áp dụng cho người nghèo vay thì sẽ khó”, GS.Võ nói.
GS Võ cũng dẫn chứng ở các nước họ thường thành lập 1 nhóm người nghèo thuộc diện quan tâm gói tín dụng, nhóm này chỉ chuyên giám sát nhau về sử dụng vốn vay, trả nợ. Thường cộng đồng nhóm này sẽ có 1 tổ chức xã hội đứng ra bảo lãnh. Tổ chức này không chỉ giám sát về khả năng trả nợ mà còn tìm cách cho người nghèo tăng thu nhập.
Tuy nhiên, khung pháp lý cho các hoạt động đó ở Việt Nam còn đang thiếu, có thể có khó khăn nhưng theo GS. Võ nếu chỉ nhìn thấy khó khăn mà chúng ta dừng lại thì không bao giờ chúng ta vượt qua và đến đích được.
Hiến kế về việc giải ngân gói tín dụng, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội (Savills Việt Nam) cho rằng, không phân biệt đối tượng, bình đẳng đối với mọi người về phương diện tiếp cận vốn. Cá nhân nào muốn vay vốn, doanh nghiệp nào cần tiền để phát triển dự án thì sẽ cho vay hết, thậm chí nếu có thêm các nguồn tài chính hỗ trợ Nhà nước cứ tiếp tục bơm thêm vốn theo hình thức này. Chúng ta sẽ lấy lãi suất vay làm cơ sở để xác định đối tượng cho vay vốn và điều tiết hỗ trợ thị trường bất động sản.
Trả lời báo chí bên lề Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự thảo Nghị định về đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội nhằm tạo sự thông thoáng cho mô hình này đã được trình lên lên Chính phủ, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành trong những ngày tới đây.