CEO VinaCapital: "Hạ tầng phát triển nhanh bao nhiêu, vốn vào nhanh bấy nhiêu"
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng |
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017, CEO quỹ đầu tư VinaCapital - đơn vị hiện đang đầu tư vào Việt Nam 2 tỷ USD, ông Andy Ho cho biết: "Việt Nam là thị trường quan trọng đối với tập đoàn, được quan tâm không chỉ về vốn FDI mà còn FII".
CEO VinaCapital cho rằng một trong những trọng tâm của Việt Nam cần nhắm tới là phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là khoản đầu tư để thu hút các khoản đầu tư khác. "Các nhà đầu tư luôn nhìn vào cơ sở hạ tầng để quyết định đầu tư. Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh bao nhiêu, vốn đầu tư vào nhanh bấy nhiêu", ông Andy Ho khẳng định.
Hiện nay có thể thấy nhiều dự án cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, ông Andy Ho cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các dự án này, phát triển cơ sở hạ tầng phải theo kịp mức tăng trưởng kinh tế.
Có chung quan điểm với đại diện quỹ đầu tư VinaCapital, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng để tận dụng tiềm năng tăng trưởng kinh tế, cần tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Viện trưởng CIEM nhấn mạnh cần tập trung hạ tầng cho TP HCM theo hướng tăng kết nối cho khu vực này. Cụ thể, tập trung vào những dự án cấp bách như nâng công suất cảng Cái Mép – Thị Vải lên 70 - 80% công suất, thay vì chỉ 30 - 40% công suất hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Cung cho rằng nên tập trung đầu tư nâng cấp đường thuỷ nội địa ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long thay vì đầu tư nhiều cho đường bộ.
Nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng được viện trưởng CIEM đề xuất lấy từ số tiền cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. "Thực hiện cổ phần hóa theo tiến độ Nghị quyết của Quốc hội, dùng tiền thực hiện các dự án trọng điểm hạ tầng hại hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP HCM. Không nên đưa vốn chia vào kế hoạch trung hạn, tránh vốn thu được bị phân mảnh", ông Cung phân tích.
Nguồn vốn cho phát triển kinh tế có thể đến từ việc thoái vốn của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, để tới năm 2020 có 15% giá trị cổ phiếu giao dịch được tăng từ mức 9,5% hiện tại. Như vậy, sẽ có thêm khoảng 5 tỷ USD vốn vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM cũng nhấn mạnh, cần tập trung vào phát triển hai vùng kinh tế động lực là Hà Nội và HCM - nơi chiếm 50% GDP cả nước, 70% FDI, hơn 2/3 tổng thu ngân sách cả nước... Ông cũng cho rằng nên đầu tư cho vùng tứ giác TP HCM- Bình Dương – Đồng Nai – Vũng Tàu, khi đó, kinh tế Việt Nam đã tăng được khoảng 0,4 điểm phần trăm.
Tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017, TS Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đồng tình đầu tư cho cơ sở hạ tầng là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, việc đầu tư còn gặp khó khăn đặc biệt là phần vốn. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam chỉ ra vốn đầu tư công đang gặp rào cản bởi Việt Nam có nguy cơ chạm trần nợ công. Ít nhất trong ngắn hạn đầu tư công sẽ không mạnh lên được nên phần thúc đẩy vẫn là đầu tư tư nhân, còn từ công phải đẩy mạnh PPP thay thế.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang đưa ra kế hoạch và triển khai một số dự án đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng như xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, tách giải phóng mặt bằng và thi công sân bay Long Thành.