CEO tiết lộ chuyện "lách" mới nhận được vốn đầu tư Start up
Các đại diện doanh nghiệp tranh luận về vấn đề vốn. |
Ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Công ty Moca (công ty về thanh toán trực tuyến trên di động) thẳng thắn thừa nhận phải "lách" để nhận được vốn đầu tư cho doanh nghiệp start của mình tại Hội thảo "Kinh tế số thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà nắm bắt cách mạng 4.0” được tổ chức mới đây.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể phát hành trái phiếu khi chưa có lãi. Tuy nhiên, "doanh nghiệp start up còn lâu mới có lãi, thậm chí doanh nghiệp trị giá nhiều tỷ USD như cũng chưa có lãi", ông Nam chia sẻ. CEO Moca cho biết, để nhận được vốn đầu tư, các doanh nghiệp start up phải tìm cách để "lách" khi không thể vay chuyển đổi vốn theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, vốn "rót" vào các start up 90% đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng tình, CEO công ty MOG, ông Trần Anh Dũng cũng cho rằng việc chưa có hành lang pháp lý phù hợp dẫn đến các nhà đầu tư ở Việt Nam vẫn phải góp vốn theo hình thức "chui".
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng chia sẻ hành lang pháp lý không hỗ trợ cho doanh nghiệp, "có doanh nghiệp chưa xin được giấy phép đã chết rồi". Cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì có 9 cái thất bại. Theo ông Dũng, những người khởi nghiệp rất cần có những chính sách ưu đãi về thuế trợ giúp bởi tinh rủi ro khi đầu tư lên tới 90% này.
Cũng gặp khó với hành lang pháp lý, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP. HCM cho chia sẻ câu chuyện về việc thành lập quỹ đầu tư.
Bà cho biết mình đã vận động được 3 ngân hàng cùng bỏ vốn đầu tư, trong đó mỗi ngân hàng góp 11% vốn điều lệ, ngoài ra quỹ còn một số cá nhân khác tham gia. Được thành lập nhưng quỹ này trở thành một pháp nhân độc lập, tuy nhiên lại không nằm dưới sự điều chỉnh của bất kỳ Luật nào.
Cũng tại hội thảo, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Bùi Quang Ngọc lại đưa ra quan điểm khác về vấn đề vốn đối với start up. "Về vấn đề vốn tôi chưa thấy có gì bất cập", ông Ngọc khẳng định. Theo ông, doanh nghiệp có nhiều hình thức để góp vốn từ chủ sở hữu, góp vốn kinh doanh ăn chia theo lợi nhuận, tài trợ với một hoặc vô điều kiện.
"Start up cứ kêu khó về vốn trong khi quỹ FPT Ventures của tập đoàn có 2 triệu USD dành cho startup nhưng đến nay cũng chỉ mới giải ngân được vài ngàn USD", ông Ngọc cho biết.
Cũng như vậy, theo vị Tổng giám đốc FPT, việc doanh nghiệp start up chết đi là chuyện bình thường. Ông dẫn chứng, để có được một facebook lớn mạnh như hiện nay, vài vạn mạng xã hội khác đã chết đi, chính mạng xã hội do FPT phát triển cũng bị "khai tử" trong cuộc đào thải này.
Tuy nhiên, hầu hết đại diện các doanh nghiệp start up có mặt đều không đồng tình với ý kiến của ông Ngọc khi đứng từ vị thế một doanh nghiệp lớn.
Từ trường hợp của mình, bà Trương Lý Hoàng Phi cho lý giải, như FPT là doanh nghiệp thành lập quỹ đi đầu tư sẽ không bị giới hạn vì nó có thể là việc góp vốn kinh doanh. Ngược lại, nhưng quỹ như trường hợp của bà sẽ gặp khó khăn khi đứng độc lập.
Bà cho biết, khi không đứng dưới sự điều chỉnh của Luật, dù có thử làm việc với lãnh đạo TP. HCM xin trợ giúp tạo mô hình thí điểm cũng không thể làm được.
Theo đó, đại diện các doanh nghiệp start up kiến nghị cần có hành lang pháp lý rõ ràng đầy đủ hỗ trợ cho start up phát triển.