Cấp phù hiệu, sơn màu xe riêng cho taxi Hà Nội: Hy vọng hết “bát nháo”
Taxi dừng, đón trả khách tại cửa Ga Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Với các giải pháp này, hoạt động taxi trên địa bàn Thủ đô sẽ được kỳ vọng hết cảnh "bát nháo"?
Quá tải thêm quá tải
Đây là thực trạng được lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mới đây. Cụ thể là dù Hà Nội đã ngừng cấp mới giấy phép kinh doanh taxi từ năm 2012, nhưng số lượng taxi không những không giảm mà ngày càng tăng. Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, với số lượng xe taxi hiện có, Hà Nội cần 15ha điểm dừng đỗ. Tuy nhiên, đến thời điểm này thành phố mới bố trí được gần 10% nhu cầu. Nhiều hãng đã sử dụng lòng đường, vỉa hè để đỗ taxi trong lúc họp giao ca…
Ngoài ra, đội ngũ lái xe taxi cũng đang có nhiều hạn chế vì trong số hơn 20.000 lái xe trên địa bàn Hà Nội có trên 80% là người ngoại tỉnh. Nhiều hãng taxi luôn trong tình trạng thiếu lái xe nên phải tuyển khá vội vàng. Qua kiểm tra, không ít lần các lực lượng chức năng đã phát hiện có những doanh nghiệp (DN) sử dụng cả lái xe không đủ tiêu chuẩn hành nghề. Nhiều lái xe cho biết không sợ bị hãng sa thải hay kỷ luật vì luôn có đơn vị khác sẵn sàng tiếp nhận, quan trọng là tỷ lệ ăn chia của hãng nào cao thì sẽ hấp dẫn được người lái.
Sở GTVT cũng cho biết, lượng taxi trong khu vực nội thành đã bão hòa nhưng thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố luôn có khoảng trên 2.000 xe do các tỉnh, thành lân cận cấp phù hiệu đang hoạt động (không ít xe trong số đó đeo biển kiểm soát của Hà Nội) dẫn đến tình trạng quá tải lại càng thêm quá tải. Xe nhiều, khách ít nên cung cách làm ăn chộp giật càng có cơ hội bùng phát mạnh. Nhiều hành vi gian lận cước được cánh lái xe tìm cách áp dụng hòng móc túi khách hàng, như chạy vòng vèo để lừa người ngoại tỉnh; lắp đặt đồng hồ gian lận cước…
Áp dụng công nghệ vào quản lý
Chấn chỉnh hoạt động taxi, từng bước đưa vào nền nếp luôn là mục tiêu của Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật còn chưa đầy đủ, chế tài yếu chính là những trở ngại đối với nhiệm vụ này.
Ví dụ, như việc xe taxi do tỉnh khác cấp phù hiệu vào hoạt động tại Hà Nội gây quá tải nhưng các lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt nếu dừng đỗ sai quy định hoặc gian lận cước; chưa có quy định về quy mô cụ thể của DN kinh doanh taxi với những điều kiện bắt buộc nên trước đây (giai đoạn chưa tạm ngừng cấp phép) dù một số đơn vị chỉ có rất ít xe nhưng thành phố vẫn phải cấp phép hoạt động… Việc có quá nhiều hãng cùng hoạt động vừa khó cho công tác quản lý, vừa gây lãng phí cho xã hội…
Vì vậy, trong buổi báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mới đây liên quan đến những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là về taxi, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam in phù hiệu "xe taxi" cấp cho các đơn vị trên địa bàn Hà Nội có màu sắc riêng và nghiên cứu chất liệu phù hợp bảo đảm không bị mất màu trong quá trình sử dụng.
Bên cạnh đó đề nghị rút ngắn thời hạn có hiệu lực của phù hiệu, đồng thời quy định các đơn vị vận tải phải trả lại phù hiệu cũ khi gia hạn, cấp đổi phù hiệu "xe taxi", tránh tình trạng sửa chữa, lợi dụng hoạt động "dù".
Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chấp thuận và giao Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào dự thảo nghị định (NĐ) thay thế NĐ 91/CP, NĐ 93/CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Cùng với in phù hiệu taxi có màu sắc riêng cho Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các cơ quan trực thuộc Bộ nghiên cứu quy định cụ thể về quy mô, số lượng xe, điều kiện bắt buộc đối với hộ cá thể kinh doanh vận tải khách.
Theo ông Nguyễn Hồng Đạt - Trưởng phòng Quản lý phương tiện (Sở GTVT Hà Nội), taxi Hà Nội ngoài việc có phù hiệu riêng, giai đoạn 2015-2016, tất cả taxi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) và đồng hồ tính tiền tự in hóa đơn. Đây chính là cơ hội để công tác quản lý vận tải nói chung và vận tải khách bằng taxi nói riêng được hiệu quả hơn.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 113 doanh nghiệp kinh doanh khách bằng taxi với tổng số khoảng 17.400 xe. Trong đó 70% hoạt động trong nội thành, kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là dẫn đến tình trạng quá tải trên các tuyến phố nội đô. Thống kê cho thấy, trong khu vực 10 quận, mỗi kilômet đường có 16 xe taxi hoạt động. Khu vực ngoại thành, mỗi kilômet có 0,92 xe taxi hoạt động.
Nguồn HNM