Cấp phó nhiều vẫn "không đủ người đi họp"
Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Nhắc lại lời than phiền của cử tri trong mỗi lần có dịp tiếp xúc, ĐB Trần Du Lịch phản ánh, khi hiện có quá nhiều cấp phó ở các cơ quan công quyền, thế nhưng tại nhiều đơn vị cấp phó có tới 6-7 người mà người đứng đầu vẫn than phiền “không đủ người đi họp”. Theo ông, lý do tồn tại nhiều cấp phó như hiện nay là do chúng ta đã không mạnh dạn phân quyền, giao quyền cho các Sở, vụ, cục phụ trách chuyên môn.
“Cấp phó đang trở thành cấp hành chính tại nhiều nơi, nhiều chỗ. Tôi đề nghị, ngay ở chính quyền địa phương chỉ có tối đa 2 cấp phó, các Bộ cũng chỉ cần 2 cấp phó, Sở thì chỉ 1 cấp phó là đủ. Phải nâng cao trách nhiệm của ông Giám đốc. Nếu làm mạnh được cái này thì sẽ giảm được bao nhiêu cấp phó, giảm được bao nhiêu Thứ trưởng”- ông Lịch nói.
ĐBQH Trần Du Lịch: Đừng biến cấp phó thành cấp hành chính |
Theo ông cần bảo đảm nguyên tắc, một công vụ thì chỉ một cấp chính quyền làm, xã đã làm thì huyện không làm, huyện làm thì tỉnh không làm nữa, tỉnh đã làm thì Chính phủ không làm.
“Tình trạng trùng lắp trong phân quyền, phân cấp như hiện nay chỉ khiến bộ máy cồng kềnh ra. Vì thế, luật lần này phải làm rõ vấn đề phân quyền, phân cấp. Cấp dưới thực thi thì cấp trên chỉ có trách nhiệm giám sát”- ĐB Lịch phát biểu.
Cũng nêu ví dụ cụ thể, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói thẳng, Luật tổ chức Chính phủ phải quy định rõ cơ cấu số lượng, có bao nhiêu bộ, quy định rõ bao nhiêu thứ trưởng cấp bộ…
“Hiện tại tôi được biết có bộ có tới 11 thứ trưởng, ngay như Văn phòng Quốc hội cũng có tới 6 Phó Chủ nhiệm… cải cách bộ máy hành chính như thế nào không rõ mà chỉ thấy nở ra thêm nhiều lãnh đạo là sao?” – ông Nghĩa băn khoăn.
Góp ý về Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đa số ý kiến của các ĐBQH đều nhấn mạnh, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phải quy định rõ phân cấp, phân quyền cụ thể, tránh tình trạng khi xảy ra vụ việc thì đổ lỗi cho nhau, trách nhiệm không thuộc về ai.
Theo ĐB Đỗ Tiến Sinh (Hòa Bình), lãnh đạo tập thể dựa trên quyết định cá nhân, Thủ tướng ký theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền. Nhiều vụ việc sai phạm rõ nhưng quy trách nhiệm lại không có, lãnh đạo tập thể thì không rõ trách nhiệm thuộc về ai.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, hiện vấn đề phân chia, phân cấp quyền hạn giữa TƯ và địa phương chưa rõ. Luật nhiều nước ghi rất rõ địa phương được làm gì, không làm gì. Luật chính quyền địa phương cũng chưa rõ địa phương được làm gì, không làm gì. Những gì có tính chất phân cấp ổn định cho địa phương thì cần được ghi vào trong luật.
“Có những việc cứ nói địa phương được quyết, nhưng cứ khi vào việc mới biết thực tế địa phương không có quyền gì mà cứ phải hỏi xin ý kiến hết bộ này, ban nọ trước khi quyết định” – ĐB Tâm nói.
Về quyền hạn của Thủ tướng, bà Tâm nhấn mạnh, cần quy định quyền hạn của Thủ tướng đối với vấn đề cán bộ để làm sao Thủ tướng không cảm thấy bị khó, ràng buộc rồi đổ thừa cho cơ chế khi bộ máy của Chính phủ vận hành không tốt.
Trong quá trình vận hành, nếu Bộ trưởng nào không làm tốt thì Thủ tướng có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đình chỉ công tác. Còn nếu đình chỉ không tốt thì Thủ tướng thì phải chịu trách nhiệm. Điều này nhằm hạn chế tình trạng Thủ tướng không có quyền gì khi bộ máy trì trệ, nhưng không ai chịu trách nhiệm.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) thì đề xuất cần bổ sung quy chế bỏ phiếu tín nhiệm và cơ chế từ chức của các thành viên Chính phủ trước khi đợi đến Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.