Cặp CĐV "ngông" và "chịu chơi" nhất Việt Nam
Cặp CĐV "ngông" và "chịu chơi" nhất Việt Nam
Những việc "lạ đời" trên gắn liền với 2 CĐV được xem là “ngông” và "chịu chơi" nhất của bóng đá Việt Nam: Hoàn “say” và Sáng “Củ Chi”.
Văn Trần Hoàn hay còn gọi Hoàn “say”, Hoàn “pháo sáng” là một doanh nhân có tiếng ở đất Cảng- Hải Phòng. Nhưng đối với những người yêu bóng đá, anh được biết đến với tình yêu bóng đá đến mức cuồng nhiệt, đôi khi còn bị gọi là “hâm” nặng. Trong anh không có gì lớn hơn tình yêu đối với bóng đá. Biệt danh Hoàn “say” là vì thế. Một tình yêu quá phiêu, đôi lúc “điên” cùng bóng đá, đến quên cả hạnh phúc cá nhân khi đến giờ anh vẫn chưa lập gia đình dù đã hơn 40 tuổi.
Một thời Hoàn “say” là cái tên gây khó chịu đối với ban tổ chức các sân, đặc biệt ở Hải Phòng bởi màn đốt pháo sáng. Nhưng ở một góc nhìn khác, anh có một tình yêu đến mức “cực đoan” dành cho đội tuyển Việt Nam. Kể từ khi xem đội tuyển Việt Nam đoạt HCB tại SEA Games 18 năm 1995, Hoàn “say” chưa bỏ qua bất kỳ trận đấu nào của đội tuyển. Trong hành trang đi cổ vũ của anh lúc nào cũng có một tấm chân dung ảnh Bác cỡ lớn, và trong suốt bất cứ chuyến bay nào, anh luôn khư khư giữ lấy tấm chân dung vì sợ vỡ. Theo như anh nói: “Đối với tôi xem bóng đá vừa là để thể hiện tình yêu vừa là quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân. Tấm chân dung Bác Hồ như là một lời nhắc nhở đối với bản thân và các cầu thủ về tinh thần dân tộc, khơi dậy lòng tự hào trong mỗi con người Việt Nam. Đó là suối nguồn của sức mạnh, của tình yêu bóng đá…”
Hoàn “say” được biết đến nhiều từ một sự kiện đáng nhớ tại SEA Games 23 năm 2005. Tại trận bán kết SEA Games năm đó, U23 Việt Nam gặp U23 Malaysia tại Bacolod, Phillippines. Khi ấy, U23 Việt Nam bị dẫn trước, sau đó đã nhanh chóng gỡ hòa. Quá vui mừng, Hoàn “say” nhảy từ khán đài A lên thẳng hàng ghế danh dự có hàng chục chính khách của Thái Lan, Việt Nam, Phillippines rồi sau đó “phi” thẳng từ trên cao xuống đường pitch để chia vui. Lực lượng an ninh Phillippines khi đó tưởng nhầm là đối tượng khủng bố đã ngay lập tức bủa vây và suýt chút nữa đã cho anh ăn đạn.
Chỉ đến khi Hoàn “say” lồm cồm đứng dậy cầm chân dung Bác Hồ giơ lên và chỉ vào chiếc áo cờ đỏ sao vàng mình đang mặc, họ mới biết đó là một CĐV Việt Nam cuồng nhiệt. Thế đấy, khi “yêu” người ta sẵn sàng quên hết mọi thứ, bất chấp hiểm nguy để đến với tình yêu của mình.
Hoàn “say” và Sáng “Củ Chi” (bên trái) tại mũi Hảo Vọng, Nam Phi |
Hoàn “say” có một người bạn rất tâm đầu ý hợp trong việc xem đá bóng và sẵn sàng đi đến cùng với đam mê của mình đó là Phạm Văn Sáng, còn gọi là Sáng “Củ Chi”. Hai người quen nhau từ SEA Games 23 và từ đó trở thành một cặp bài trùng không thể thiếu ở bất cứ sự kiện bóng đá lớn nào của thế giới.
Có một câu chuyện đã trở thành một “giai thoại” thú vị khi họ cùng nhau đi xem World Cup 2010 năm ngoái. Thông thường đi nước ngoài, ngoài tiền bạc rủng rỉnh thì phải có ít…ngoại ngữ làm vốn, căn bản là Anh ngữ để có thể giao tiếp, trao đổi thông tin với dân bản địa. Nhưng Sáng “Củ Chi” thừa nhận một chữ tiếng Anh cắn đôi cũng không biết, mà vẫn ung dung quảy ba lô lên đường. Hoàn “say” củng chẳng khá hơn là bao, gần như mù tịt về ngoại ngữ
Khi sang đến Nam Phi, do không thể giao tiếp được với cư dân địa phương nên họ chịu rất nhiều thiệt thòi, từ việc đi lại, lưu trú cho đến mua vé vào sân. Trong 4 ngày đầu ở Nam Phi, họ ở một khách sạn sang có giá lên đến 2.500 USD/đêm mà không biết cách nào để tìm một nơi rẻ hơn. Sau đó, nhờ gặp một số kiều bào Việt Nam tại Nam Phi họ mới biết đến ở nhờ tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Nam Phi trong những ngày cuối cùng với chi phí thấp hơn nhiều lần.
Sáng “Củ Chi" cổ vũ một trận đấu của ĐT Đức tại World Cup 2010 |
Trong thời gian rảnh rỗi chờ xem các trận đấu, Sáng “Củ Chi” bèn rủ bạn đi thăm thú một số địa điểm nổi tiếng của Nam Phi. Nhưng “ngông” nhất là việc họ thuê hẳn một chiếc máy bay tư nhân trong vài giờ đồng hồ để ngắm Nam Phi từ trên bầu trời. Chỉ riêng việc này đã khiến hai CĐV cuồng nhiệt mất gần 5.000 USD. Tính luôn cả tiền vé thì trong khoảng gần 10 ngày lưu trú tại Nam Phi, Hoàn “say” và Sáng “Củ Chi” mất mỗi người đến cả vài trăm triệu đồng.
Tháng 7 vừa qua, nếu xin được thị thực tại Argentina, thì 2 người đã lên đường xem Copa America. Họ dự tính sẽ xem vài vòng chung kết EURO và World Cup nữa trong tương lai.
Có thể họ bị xem là những kẻ lắm tiền chơi ngông nhưng điều quan trọng là tình yêu của họ với bóng đá Việt Nam không bao giờ vơi. Trong thâm tâm của họ, chỉ cần đội tuyển đá hay, đá đẹp thì dù đá ở bất cứ đấu họ cũng không quản đường xá xa xôi để sang cổ vũ. Đó là những tình cảm rất quý.
Hai CĐV chơi ngông khi thuê máy bay trực thăng ngắm cảnh Nam Phi |
Như đợt AFF Cup 2008, do địa điểm tổ chức tận Phuket, gặp lúc sân bay Bangkok không thể hoạt động do biểu tình, các CĐV Việt Nam đa số không thể đến cổ vũ cho ĐT. Lúc đó, Sáng “Củ Chi” cùng với 6 người khác đã tìm mọi cách đi đường bộ từ Campuchia sang Bangkok, sau đó dự định tiếp tục đi xe đến Phuket. Vừa may đến nơi thì sân bay Bangkok hoạt động trở lại, giúp đoàn đến Phuket kịp lúc cổ vũ cho đội tuyển. Thời điểm đó, 7 người này chính là những CĐV Việt Nam duy nhất có mặt tại Phuket…
Tại SEA Games 26 sắp tới, cả Hoàn “say” và Sáng “Củ Chi” sẽ cùng những bạn bè, anh em khác đi theo cổ vũ cho đội tuyển U23 Việt Nam trong suốt giải đấu. Hạnh phúc với họ rất giản đơn khi được chứng kiến đội tuyển giành chiến thắng với tinh thần chiến đấu ngoan cường. Bóng đá Việt Nam cần những CĐV “yêu” chân phương như thế….
HOÀNG TÂM