Cảnh giác với tai nạn thương tích khi trẻ đi du lịch
Gia đình chị Lê Thị Ngọc (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) 'mất trắng' chuyến du lịch Phú Quốc vì tai nạn bất ngờ xảy ra với hai bé.
Chị Ngọc cho biết gia đình chị cùng hai gia đình người bạn khác rủ nhau đi du lịch Phú Quốc. Chuyến du lịch được cả ba gia đình háo hức vì lâu mới đi cùng nhau. Trẻ lại trong cùng độ tuổi nên các cháu chơi với nhau rất hợp.
Ngày đầu tiên đến Phú Quốc, ba nhà nghỉ ngơi chuẩn bị cho chuyến thăm thú ngày hôm sau thì đến 10h tối mọi người hốt hoảng khi trẻ nô đùa với nhau và bị vỡ chiếc chén thuỷ tinh.
Vì đang nô một bé bé 3 tuổi đã ngã phải đống thuỷ tinh vỡ. Mọi người hốt hoảng cho bé vào bệnh viện khâu. Nhìn vết thương của con trên tay, ngực chị Ngọc chẳng còn tâm trạng để du lịch.
Cả chuyến đi coi như bỏ. Mẹ con chị Ngọc ở lại khách sạn hàng ngày vào viện để sát trùng. Các gia đình khác cũng chỉ đi ăn uống rồi chờ ngay bay quay về., cả đoàn 'mất' nguyên chuyến du lịch.
Còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Lệ (Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội) cũng chưa hoàn hồn với chuyến du lịch về Mộc Châu.
Cả đoàn du lịch có 16 người bao gồm 7 trẻ em. Dù cố gắng cẩn thận nhưng sự cố vẫn xảy ra. Chị Lệ kể con trai của bạn chị hơn 1 tuổi trong lúc ngồi ăn cùng với mọi người cháu vơ vào bát mì tôm vừa pha của hai bé lớn.
Chỉ trong tích tắc, bát nước sôi pha mì tôm dội hết vào cháu bé khiến cháu bỏng nặng vùng ngực. Sau khi đưa cháu bé vào bệnh viện ở địa phương sơ cứu thì cả đoàn cũng lên đường về Hà Nội để cháu nhập Viện Bỏng quốc gia điều trị.
Tai nạn thương tích cho trẻ khi đi du lịch thường xuyên xảy ra nếu người lớn bất cẩn.
Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, tai nạn thương tích rình rập trẻ ở nhiều nơi. Trẻ đi du lịch cũng tiềm ẩn nguy cơ này.
Những rủi ro với trẻ ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, bệnh do tiêu hoá, sốt, dịch bệnh thì trẻ cũng có thể bị các tai nạn như đuối nước, bỏng, điện giật, té ngã… đặc biệt là đuối nước.
Nhiều cha mẹ khi cho con đi biển, đi bơi ở bể bơi chỉ cần thiếu quan sát một chút là trẻ có thể bị đuối nước. Tại các khu du lịch hầu như năm nào cũng có các trường hợp trẻ đuối nước thậm chí trẻ biết bơi vẫn có nguy cơ đuối nước.
PGS Dũng cho rằng ngoài đuối nước thì tai nạn té ngã cũng xảy ra nhiều. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức cẩn trọng, chú ý quan sát con để tránh những rủi ro đáng tiếc khiến chuyến du lịch mất vui.
Khi có vết thương chảy máu hay xước da, nhiều người không biết cách sơ cứu và xử lý cầm máu, gây nhiễm trùng.
Tai nạn do côn trùng cắn cũng hay gặp khi đi du lịch nhất là ở vùng núi là nơi sinh sống của rất nhiều loại côn trùng nên cần phải chú ý nhiều.
Côn trùng cắn để hút máu, bản thân các vết cắn thường không đau nhưng chúng gây ngứa ngáy, khó chịu. Có nhiều trường hợp vết cắn nghiêm trọng làm sưng họng, miệng hoặc lưỡi, thở hạn chế.
Ngoài tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hoá ở trẻ khi đi du lịch cũng phổ biến. PGS Dũng thường gọi là trẻ bị hội chứng “tiêu chảy du lịch”.
Do môi trường, thức ăn lạ nên rất nhiều trẻ về quê, đi du lịch được một hai hôm là bắt đầu có hiện tượng tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, đau bụng.
Để phòng tiêu chảy cho trẻ cha mẹ cần đảm bảo an toàn thực phẩm. Không nên cho trẻ ăn thực phẩm lạ. Với trẻ dưới 3 tuổi nên cho trẻ ăn thực phẩm quen ở nhà vẫn ăn.
Nhiều cha mẹ có tâm lý đặc sản vùng miền nên phải cho con ăn nhưng điều này không tốt cho trẻ. Bạn nên ăn thử và có thể cho trẻ làm quen một ít thay vì nghĩ đặc sản ngon cố cho con ăn.
Khánh Chi