Căng thẳng với Ấn Độ sôi sục, Pakistan vội vã trang bị vũ khí khủng cho máy bay
Ông Yang Wei, thiết kế trưởng của máy bay chiến đấu JF-17 đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng “tất cả những bước đi cần thiết đang được tiến hành” đối với loại máy bay này.
Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder của Pakistan. |
Theo nhà phân tích quân sự người Trung Quốc Wei Dongxu, máy bay sẽ được lắp đặt một hệ thống radar quét mạng pha chủ động (AESA) cũng như hệ thống phần mềm hỗ trợ quan sát trên mũ đội đầu của phi công.
Việc máy bay chiến đấu có radar AESA cho phép Pakistan có thể cạnh tranh với máy bay Tejas MK-1 do Ấn Độ sản xuất trong nước và cũng được trang bị radar hiện đại. Với AESA, JF-17 có thể phát hiện được nhiều mục tiêu trên trời và dưới đất cùng lúc và ở nhiều dải tần số khác nhau, khác hẳn các loại radar thông thường có tính năng hạn chế hơn và dễ bị gây nhiễu hơn.
Theo ông Wei, với việc được trang bị AESA, JF-17 cũng được coi là xứng tầm với máy bay F-16 do Mỹ sản xuất và cũng là loại phi cơ tiêm kích mà Pakistan đang sử dụng. Không chỉ có vậy, hệ thống máy tính và liên lạc trên JF-17 cũng sẽ được nâng cấp để giúp phi công có thể nhanh chóng chia sẻ thông tin mình có.
Lần đầu tiên được công bố vào năm 2007, JF-17 Thunder cũng được mang tên gọi khác là CAC FC-1 Xiaolong bởi nó là sản phẩm do Tập đoàn Hàng không Pakistan (PAC) và Tập đoàn Máy bay Thành Đô (CAC) của Trung Quốc hợp tác sản xuất.
JF-17 được coi là một đối thủ cạnh tranh với các máy bay như Tejas F-1 của Ấn Độ, FA-50 của Hàn Quốc và F-16 của Mỹ. Với giá thành chỉ vào khoảng 25 đến 32 triệu USD/chiếc, JF-17 thậm chí còn được coi là có thể cạnh tranh với các phiên bản xuất khẩu của F-35, và việc nó được sản xuất với số lượng rất lớn càng khiến cho nó trở nên lợi hại hơn.
Ngoài ra vào ngày 13/3, Không quân Pakistan tuyên bố rằng một máy bay JF-17 đã phóng thử thành công một loại tên lửa thông minh do họ phát triển. Họ cho biết “một cuộc thử nghiệm thành công đã giúp JF-17 Thunder trở nên rất lợi hại và đảm bảo có thể tập kích rất nhiều mục tiêu với độ chính xác cực cao cả trong ngày lẫn đêm”.
Trong khi đó, ông Asif Durrani, cựu đại sứ Pakistan tại Iran và UAE, cho biết máy bay bị Ấn Độ bắn rơi vào cuối tháng trước là một máy bay JF-17 chứ không phảo là F-16 do Mỹ sản xuất. Theo điều kiện đã nêu trong thỏa thuận giữa Pakistan và Mỹ, Islamabad chỉ được phép dùng máy bay F-16 để tiến hành tập kích các nhóm khủng bố chứ không được dùng để đối phó với Ấn Độ.