Càng cho tăng giá, điện càng báo lỗ?
Càng cho tăng giá, điện càng báo lỗ?
Mỗi lần muốn tăng giá điện, EVN lại đưa ra "bài ca" lỗ nặng Ảnh: T.Hà |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã khẳng định như vậy khi trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội. Dù vậy, việc EVN một lần nữa đề xuất được tăng giá điện thêm 13% từ tháng 11/2011 ngay lập tức đã gây nên dư luận trái chiều.
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm 2011 EVN hé mở chuyện muốn tăng giá bán điện. Ít nhất không dưới 2 lần tại các cuộc họp giao ban tháng của Bộ Công thương, đại diện EVN đều than thở tập đoàn này đang lỗ nặng, rằng giá bán điện (dù đã tăng 15,8% từ tháng 3/2011) nhưng không đủ bù đắp các chi phí, và để đảm bảo nguồn điện trong nước ngoài huy động các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí EVN vẫn phải mua điện giá cao từ Trung Quốc.
Mỗi lần muốn tăng giá điện, EVN đều dẫn lý do, tập đoàn này đã phải chịu thiệt nhiều từ việc giá điện chưa được tính đúng, tính đủ, dẫn tới giá thành bán điện thương phẩm không đủ bù đắp chi phí khiến tập đoàn chưa thể giảm lỗ trong thời gian qua.
Khẳng định việc tăng giá điện phải chọn thời điểm phù hợp để hài hòa lợi ích chung của người dân, xã hội cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng,"chắc chắn giá điện cũng không thể giữ mãi như hiện nay được".
Cốt lõi vấn đề vẫn là giá điện phải làm sao để thu hút vốn để tái đầu tư, vì hiện nay đất nước vẫn đang thiếu điện, trong khi vốn đầu tư cũng thiếu. Nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào điện, vì với cơ chế hiện tại đầu tư vào điện chỉ có lỗ.
Ngay như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) – đơn vị cung ứng 25% công suất điện của cả nước và đầu tư khá nhiều vào các dự án điện thời gian qua, Tổng giám đốc PVN Vũ Văn Hậu cũng thừa nhận, "với cơ chế hiện tại đầu tư vào điện chỉ có lỗ, chẳng nhà đầu tư nào mặn mà rót vốn vào nơi mà nhìn thấy trước chỉ có lỗ và lỗ".
Thế nhưng, từ trước tới nay, điệp khúc "giá điện chỉ có tăng, mà không giảm" cứ tái diễn, mỗi lần giá điện tăng ngành điện nói bù đắp được lỗ, nhưng chưa thấy bao giờ "ông điện" nói số lỗ đó giảm đi, mà chỉ thấy tăng lên. Báo cáo của Đảng ủy khối DN Trung ương, số lỗ lũy kế của EVN tính đến ngày 30/6/2011 lên đến 31.565 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2011 lỗ 7.918 tỷ đồng.
Hiện, EVN cũng đang là con nợ của các tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn PVN, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), trong đó riêng khoản nợ PVN đã lên tới trên 10.000 tỷ đồng chưa sắp xếp được nguồn trả, đẩy các đơn vị này vào tình cảnh "khóc dở mếu dở", ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh vì cũng không có nguồn để trả đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào.
Về các khoản nợ của EVN đối với các đối tác PVN, Vinacomin, Thủ tướng Chính phủ đã "bật đèn xanh" đồng ý cho EVN vay các ngân hàng để trả nợ, tuy nhiên tiến trình này vẫn "tắc" dù Bộ Công thương cũng đã phải vào cuộc giúp EVN tháo gỡ bế tắc thương lượng giữa EVN và ngân hàng. Phải chăng, trong lúc chưa giải ngân được khoản vay "hữu nghị" từ phía ngân hàng, EVN bị "siết nợ" và đề xuất tăng giá điện để bù lỗ, có tiền trả nợ lại được tập đoàn này tính tới và đề xuất lên Chính phủ?
Về thông tin tăng giá điện để lấp khoản nợ do đầu tư ngoài ngành của EVN, ông Ninh khẳng định: "Tôi khẳng định không có chuyện tăng giá để bù đắp đầu tư ngoài ngành. Chính phủ không cho phép như vậy".
Phó Thủ tướng chia sẻ thêm, Thủ tướng đã có yêu cầu EVN siết chặt các khoản đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này, vì thế EVN sẽ phải tính toán lại các khoản đầu tư của mình và chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính là sản xuất và cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, phải tính toán mới biết có nên điều chỉnh giá điện không. Theo lộ trình, giá điện sẽ tăng từ từ, theo mức độ nhất định, không thể tăng hết cỡ lên tới 62% để EVN hết lỗ. Ngoài ra, không phải cứ 3 tháng lại tăng giá điện một lần, mà phải tùy thuộc vào điều kiện kinh tế. Từ tháng 3 đến nay, giá điện chưa điều chỉnh để ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, giải quyết khó khăn trong sản xuất, đời sống nhân dân.
"Quan điểm nhất quán từ trước đến nay phải dần dần từng bước đi theo thị trường. Nếu thuận lợi thì đi ngắn, nếu khó thì đi dài hơn. Điều hành phải thích ứng với tình hình", Phó Thủ tướng khẳng định.
Linh Anh