Cẩn thận với "mít Thái chín cây"
Ít ai biết rằng, để có được những trái mít “chín cây” đẹp, có một số người bán đã kích chín bằng những loại hóa chất không rõ nguồn gốc.
Một hàng “mít Thái chín cây” được bày bán trên vỉa hè (đường 30-4, TP. Vũng Tàu). |
Thời gian này, những vườn mít giống Thái ở các xã như: Đá Bạc, Quảng Thành, Suối Nghệ, Xà Bang (huyện Châu Đức) đang bước vào mùa thu hoạch. Nhiều chủ vườn cho biết, cách đây cả tháng, các thương lái đã vào tận vườn để thu mua hàng loạt, dù mít chưa vào giai đoạn chín tới. Các chủ vườn được thương lái “bật mí”, không cần chờ mít chín cây mà cứ thu hoạch xanh rồi về sẽ phân loại và dùng thuốc kích chín. Dưới tác dụng của thuốc kích thích, chỉ trong 1-3 ngày, trái mít tự “rủ” nhau chín vàng, có màu sắc hấp dẫn, nên rất dễ “dụ” người mua.
Anh Nguyễn Văn Hanh, một người trồng mít ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức tiết lộ, nhìn màu và từng múi mít vàng ươm khó mà biết được nó không phải chín cây, nên người mua hầu hết đều nhầm. Không chỉ các vườn mít trong tỉnh mà các loại mít được quảng cáo là mít Thái được nhập từ các nơi khác về cũng được chích thuốc thúc chín. Chị Nguyễn Thị Hồng, ở số 52 đường Lê Ngọc Hân, phường 1, TP. Vũng Tàu nhận xét, mít bổ ra trông rất ngon, nhưng khi ăn không ngửi thấy mùi thơm đặc trưng, vị tuy ngọt nhưng không cảm nhận được hương vị đậm đà và múi mít thì sượng. “Có lần, người bà con ở huyện Tân Thành mang cho nhà tôi trái mít, bổ ra rất thơm, múi mít dẻo và rất ngon, chứ không sồn sột như mít Thái bày bán ngoài chợ hoặc trên các đường phố”, chị Hồng nói thêm.
Quá trình tìm hiểu về những cách thức “phù phép” mít xanh thành mít chín, chúng tôi được một người bán mít quen trên đường 30-4 là chị Hoàng Thị Thắm tiết lộ, sau khi đưa mít xanh về, các chủ vựa sẽ tiêm thuốc vào cuống để kích thích mít chín trong 1-3 ngày. Theo chị Thắm, có nhiều loại thuốc kích thích mít chín nhanh, nhưng tất cả đều in chữ Trung Quốc trên bao bì.
Tuy nhiên, chị Thắm cũng cho rằng, không phải tất cả các trái mít bán trên thị trường đều được thúc chín bằng thuốc mà cũng có nhiều trái để chín tự nhiên. Nói rồi chị Thắm nhiệt tình chỉ cho chúng tôi cách phân biệt: “Mít chín cây khi bổ ra ít mủ và không có mủ trắng. Múi mít có mùi thơm đậm đà và màu không vàng óng, không bắt mắt như loại mít chín do tiêm thuốc kích thích. Người mua nên kiểm tra bằng cách ấn nhẹ bên ngoài trái mít xem có mềm không; đồng thời quan sát khi người bán bổ mít xem thấy có nhiều mủ trắng không”. Trái mít có độ mềm và ít mủ thì có thể đó là mít chín tự nhiên, có thể không phải chín cây nhưng được chín sau 5-7 ngày hái. Còn khi nhấn ngoài vỏ, thấy trái mít cứng, nhiều mủ, có những dòng mủ trắng chảy ra trong ruột, xơ mít trắng là biểu hiện của trái mít chín do tác động của thuốc. Cũng theo chị Thắm, không chỉ dùng để tiêm vào mít, loại thuốc kích thích này còn được sử dụng để thúc chín các loại chuối, đu đủ, cà chua, thơm… Tuy chị Thắm cũng như những người bán hàng rong khác không hiểu hết những tác dụng độc hại của loại thuốc này, nhưng chủ vựa cũng như người bán lẻ vẫn kháo nhau rằng không nên ăn mà chỉ ăn những trái mít chín tự nhiên được nhặt ra từ vô số những quả mít “ngậm” hóa chất tại các vựa.
Trên nhiều tuyến đường ở TP. Vũng Tàu như: 30-4, Nguyễn Thái Học, Bình Giã, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn An Ninh, Lê Lợi… có nhiều “quầy” mít được bày bán trên vỉa hè. Chất lượng của những trái mít này hầu như không ai kiểm soát và cũng không ai biết như thế nào. Vì thế, trước khi “đợi” các cơ quan chức năng vào cuộc, người dân cần có những hiểu biết, kiến thức nhất định khi mua mít, nên chọn những hàng có uy tín hoăc tại các siêu thị để bảo vệ sức khoẻ của mình và người thân.
Bài, ảnh: THANH NGA/Báo Bà rịa Vũng tàu