“Cần tập trung vào chất lượng hạ tầng du lịch hơn là số lượng”
Theo đánh giá của Dự án xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam thử nghiệm (VTCI) do Liên minh châu Âu tài trợ, hạ tầng dịch vụ du lịch vẫn là điểm yếu của một số điểm đến nổi tiếng nằm trong diện khảo sát của VTCI. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Kai Partale, để tìm hiểu cụ thể về vấn đề này.
Ông Kai Partale - Chuyên gia phát triển du lịch thuộc Dự án xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam thử nghiệm (VTCI) do Liên minh châu Âu tài trợ. |
Thưa ông, tiêu chí cũng như mục đích của Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam thử nghiệm là như thế nào?
VTCI là kết quả báo cáo nghiên cứu đặc biệt của nhóm chuyên gia cao cấp từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dành riêng cho du lịch và lữ hành Việt Nam. Trong đó, kết quả thí điểm tại 5 điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam; được đánh giá qua 12 trụ cột, chia thành 69 chỉ số để tính toán dựa trên dữ liệu thu được từ kết quả điều tra và nguồn dữ liệu định lượng như: Thống kê của các cơ quan, hiệp hội; Dữ liệu đặt chỗ, tìm kiếm trên internet; Khảo sát ý kiến các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp…
VTCI giúp thu hẹp khoảng cách của du lịch Việt Nam so với các nền kinh tế khác và nâng cao vị trí xếp hạng tổng thể của Việt Nam trong bảng xếp hạng Du lịch và Lữ hành của WEF. Bên cạnh đó, cung cấp cho ngành du lịch Việt Nam công cụ để theo dõi các tiêu chí về du lịch và lữ hành của WEF, đồng thời hỗ trợ các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng hệ thống chỉ số phù hợp với địa phương để giám sát năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, các điểm đến của Việt Nam sẽ có khả năng nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch địa phương và tập trung vào các vấn đề đặt ra.
Sun World Halong Complex. |
-Với điều kiện cơ sở hạ tầng du lịch của các tỉnh thành nằm trong diện thí điểm của dự án như vừa nêu, theo ông, địa phương nào đang đi đúng hướng nhất, đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cũng như nhu cầu của du khách?
+ Việc đầu tư hạ tầng du lịch ở mỗi địa phương có điểm mạnh, điểm yếu nhất định, khó có thể khẳng định địa phương nào đang đi đúng hướng nhất. Chẳng hạn, điểm mạnh của Quảng Ninh là có sự quan tâm của chính quyền với khu vực kinh tế tư nhân, có cảng tàu biển đón du khách. Tuy nhiên, chưa có hạ tầng đường sắt kết nối với các điểm đến lại là điểm trừ.
Trong khi đó, điểm mạnh của Hà Nội là hạ tầng dịch vụ du lịch, điểm yếu là mức độ ưu tiên cho lĩnh vực du lịch, cạnh tranh về giá thấp. Thành phố Hồ Chí Minh, hạ tầng vận chuyển tương đối tốt nhưng hạ tầng dịch vụ du lịch vẫn là điểm yếu. Còn Quảng Nam, cả hạ tầng vận chuyển và hạ tầng dịch vụ du lịch đều là điểm yếu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến du khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu ít là do các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam còn thiếu các dịch vụ, giải trí, mua sắm chất lượng cao, hay các tổ hợp vui chơi giải trí đa tiện tích để du khách tiêu tiền. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng như vậy. Là du khách Đức, chúng tôi muốn có nhiều trải nghiệm thực tế tại địa phương, muốn xem các show diễn ấn tượng và cả hoạt động casino. Chính vì thế, một điểm đến cần đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch đa dạng, có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều dòng khách, nhiều thị trường khách cả trong nước và quốc tế.
Muốn vậy, cần khảo sát, nghiên cứu sở thích và gu khi đi du lịch của các thị trường khách. Ví dụ, khách phương Tây thường thích trải nghiệm, hoặc đi bar qua đêm.Khách châu Á thích hát karaoke… Cho nên, phát triển hạ tầng phục vụ nhu cầu của du khách ban đêm nói riêng, phát triển kinh tế đêm nói chung cũng cần tính toán kỹ. Phải đầu tư hạ tầng theo nhu cầu, sở thích của du khách, đừng đầu tư theo những gì mình có.
Để tháo gỡ những tồn tại về hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam, theo ông, cần có những giải pháp đồng bộ như thế nào?
Theo tôi, cách tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất là phải đầu tư hạ tầng chất lượng ngay từ đầu. Du khách sẵn sàng cho tiền cho các dịch vụ chất lượng. Ngược lại, hạ tầng, dịch vụ không chất lượng có thể khiến khách hàng quay lưng.
Về hạ tầng du lịch, bài học cho du lịch Việt Nam thời gian tới là cần khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư vào hạ tầng du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch. Ban hành chế độ thuế thân thiện hơn liên quan đến thuế suất lao động và mức đóng góp. Tập trung vào chất lượng hạ tầng du lịch, hơn là số lượng. Đề xuất khả năng thay thế cho vận chuyển khi khách ở Việt Nam, như cho thuê xe ô tô.
Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động để tăng trải nghiệm của khách. Hỗ trợ các nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu về vấn đề quyền sở hữu. Tăng cường mức độ định hướng vào khách hàng để doanh nghiệp phục vụ khách tốt hơn. Đồng thời, hỗ trợ mạnh hơn về phát triển nguồn nhân lực để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm được nhân viên có kỹ năng.
Đặc biệt, Việt Nam phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn tức là phải ưu tiên cho du lịch và lữ hành. Chính phủ cần phân bổ ngân sách lớn hơn cho du lịch và lữ hành để phát triển và tiếp thị ngành du lịch. Mặt khác, phải xây dựng hệ thống toàn diện cho thống kê du lịch để có sẵn dữ liệu hàng năm về du lịch và lữ hành. Cần đầu tư vào chỉ số môi trường bền vững, quy định và thực thi quy định nghiêm ngặt về môi trường… Thực hiện tất cả những giải pháp trên sẽ bảo đảm ngành du lịch phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!