Cần quy định chặt chẽ việc liên kết xuất bản
|
Đại biểu Phạm Thị Trung (đoàn Kon Tum) phát biểu tại hội trường. |
Xuất bản phẩm không khoán trắng cho đối tác liên kết
Về quy định nộp lưu chiểu, đại biểu Phạm Thị Trung (Kon Tum) cho rằng, dự thảo lần này không thấy quy định nộp xuất bản phẩm 10 ngày trước khi phát hành xuất bản phẩm ra thị trường, nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề này. Thực tế cho thấy ngay cả khi thời hạn 10 ngày đang thực hiện, khi khâu hậu kiểm phát hiện có vấn đề cần được thu hồi, xuất bản phẩm đã ra đến thị trường và đến tay người đọc, rất khó thu hồi, đôi khi gây hiệu ứng ngược vì sự hiếu kỳ của người đọc, mà câu chuyện của tác phẩm "Sát thủ đầu mưng mủ" là một ví dụ. Thực tế cũng cho thấy đối với các tác phẩm có vấn đề khi đến tay người đọc đã trở thành dòng tư tưởng xấu thì hậu quả xã hội không nhỏ, các can thiệp hành chính để khắc phục hậu quả rất khó khăn.
Đại biểu Lê Hữu Phước (đoàn Bình Dương) cho rằng, để nâng cao trách nhiệm của nhà xuất bản trong việc liên kết của nhà xuất bản với các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và cá nhân có giấy phép kinh doanh về in và phát hành xuất bản phẩm, cần quy định trách nhiệm của tổng giám đốc thực hiện việc sửa chữa, đình chỉ phát hành, thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm của nhà xuất bản, tránh tình trạng nhà xuất bản bán giấy phép phó mặc cho các đối tác liên kết thực hiện.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), cho rằng, vấn đề liên kết trong lĩnh vực xuất bản cần phải quy định thêm nội dung trách nhiệm của Tổng giám đốc và Tổng biên tập nhà xuất bản khi để xảy ra trường hợp khoán trắng cho đối tác liên kết, tức là bán giấy phép, tránh tình trạng không kiểm soát nội dung, không kiểm soát số lượng in, số lượng phát hành phát sinh in lậu, sách lậu, vi phạm bản quyền... như thực tế đã diễn ra trong thời gian qua.
Băn khoăn các quy định về quyền xuất bản điện tử
Về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, quy định như dự thảo luật về quyền xuất bản điện tử không rõ ràng. Theo Khoản 8 Điều 48, việc xuất bản điện tử phải do nhà xuất bản thực hiện, nhưng Điều 53 lại quy định chức năng xuất bản điện tử cho cơ quan, tổ chức xuất bản tài liệu điện tử không kinh doanh. Điều này cần quy định đối tác liên kết phải thực hiện các Điều 23 liên kết trong lĩnh vực xuất bản và Điều 51 nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử, tức là trao cho họ chức năng xuất bản điện tử không khác gì nhà xuất bản.
“Dự thảo luật cũng cho phép phát hành trên phương tiện điện tử các xuất bản phẩm đã được xuất bản, in hợp pháp chỉ cần được sự chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà không cần sự chấp thuận của nhà xuất bản. Nếu quy định như vậy thì ai sẽ đền bù cho những tổn thất về kinh tế của nhà xuất bản”, Đại biểu Đồng băn khoăn.
Về các hình thức xuất bản điện tử như xuất bản điện tử trên cơ sở bản gốc, xuất bản phẩm điện tử có sẵn trên mạng và có từ băng đĩa, xuất bản điện tử trên cơ sở trực tiếp sáng tác và hoàn chỉnh bản thảo trên thiết bị điện tử, từng loại hình thức này phải giải thích và định hình rõ.
Cũng theo đại biểu Đồng, ở Khoản 10, Điều 4 về phương tiện điện tử chỉ cần nêu là phương tiện hoạt động dựa trên CNTT và công nghệ viễn thông theo Luật CNTT và Luật viễn thông và bao hàm tất cả các phương tiện điện tử, không nên nêu cụ thể từng loại thiết bị như dự thảo.
Các đại biểu cho rằng quy định về xuất bản điện tử sẽ góp phần điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động này.