Cân nhắc mở rộng phạm vi phủ sóng dịch vụ DVB-T2 khu vực Bắc Trung Bộ
Tham dự Hội nghị có các cục, vụ liên quan thuộc Bộ TT&TT và đại diện lãnh đạo Công ty RTB.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Theo báo cáo, tính đến tháng 6/2017 mạng truyền dẫn của RTB đã phủ sóng 70-80% diện tích của 14 tỉnh/thành đồng bằng sông Hồng bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình và Phú Thọ, trong đó mỗi tỉnh đều có trạm phát sóng với công suất thích hợp theo công nghệ DVB-T2 (đối với các vùng lõm sẽ phát DVB-S2). Khâu hỗ trợ đầu thu truyền hình cho các hộ nghèo, cận nghèo đang được tiến hành và sẽ đảm bảo đúng tiến độ. Chỉ còn khâu truyền dẫn phát sóng còn nhiều khó khăn và phát sinh nhiều vấn đề phải tháo gỡ trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, bà Lại Thị Bích, Ủy viên HĐQT Công ty RTB đề xuất kiến nghị mở rộng phạm vi cấp phép phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 đến 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhằm đáp ứng được lộ trình tắt sóng từ ngày 31/12/2018 và kiến nghị Bộ TT&TT tạo điều kiện cấp phép cho Công ty RTB trong việc phát sóng, phủ sóng tại các địa phương; đồng thời, RTB đề nghị các cơ quan chức năng không lùi thời gian cắt sóng truyền hình analog ở các địa phương để tránh ảnh hưởng đến quá trình phát sóng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá cao nỗ lực của Công ty RTB đối với nhiệm vụ phủ sóng truyền hình số mặt đất trên toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Phần lớn các khu vực tập trung đông dân cư nhất của đồng bằng sông Hồng đã được hưởng tiện ích của số hóa truyền hình.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định: Việc mở rộng vùng phủ sóng thêm 6 tỉnh Bắc Trung Bộ là hoàn toàn có thể theo quy định cung cấp dịch vụ theo vùng địa lý cho doanh nghiệp khu vực. Thứ trưởng cũng cho biết: Bộ TT&TT sẽ xem xét các kiến nghị của RTB dựa trên tình hình thực tế để đưa ra quyết định cấp phép cho doanh nghiệp phát sóng khu vực mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ trong thời gian sớm nhất.
Đối với việc xin cấp thêm tần số để triển khai dịch vụ, Thứ trưởng cho hay hiện không còn tần số để cấp mới cho RTB trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Do đó, RTB cần tận dụng tần số cũ. Thứ trưởng đề nghị RTB làm việc với Cục Tần số Vô tuyến điện về việc sử dụng lại tần số, bàn giải pháp tránh can nhiễu…
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Kế hoạch Tài chính phải có hướng dẫn cụ thể về mặt pháp lý và tiếp tục nghiên cứu xem xét các giải pháp điều hành để các tổ chức, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng hoạt động một cách hiệu quả nhất.