Vì sao FLC bị phạt vụ đào giếng khoan ở sân golf?
UBND tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND TP Hạ Long làm rõ vi phạm của Tập đoàn FLC trong việc đào giếng khoan để khai thác nước trái phép tại khu vực thành phố Hạ Long.
Qua kiểm tra của cơ quan chức năng xác định, FLC đã đào 8 giếng khoan trong ranh giới phục vụ hoạt động dự án sân golf FLC Hạ Long, khối lượng nước mà FLC đã khai thác để sử dụng tưới cỏ sân golf tại đồi cột 3, cột 8, TP Hạ Long từ các giếng khoan trái phép là 547.440 m3.
Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh đã lập đoàn liên ngành yêu cầu đơn vị dừng hoạt động khai thác nước trái phép, đồng thời xác định khối lượng nước bị khai thác trộm để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính lập biên bản xử phạt hành chính.
Ngoài ra, Sở TN&MT đang lên phương án phối hợp với các cơ quan chức năng truy thu số tiền tương ứng với lượng nước FLC khai thác trái phép.
Trước đó, vào tháng 3/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp bàn về việc FLC khai thác nguồn nước tại khu vực đồi cột 3, cột 8.
Tại cuộc họp này, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ tháng 5/2018, địa phương này đã phát hiện FLC khai thác trái phép 5 giếng khoan, trong ranh giới phục vụ hoạt động dự án sân golf FLC Hạ Long.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu FLC dừng ngay việc khai thác nói trên nhưng đơn vị này không chấp hành mà còn đào thêm 3 giếng khoan nữa.
Việc khai thác trái phép nguồn nước ngầm của FLC đã ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm tại khu vực Phường Hồng Hải; cạn kiệt túi nước ngầm, làm sập lở thành vách địa tầng phía dưới, lún sụt mặt đất bên trên.
Với cá nhân, việc khoan giếng phục vụ nhu cầu của hộ gia đình thì không phải xin phép, nhưng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT phải xin phép khi khoan giếng công nghiệp.
Theo đó, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất gồm: Khu vực có mực nước dưới đất đã bị thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm 3 năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép;
Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu;
Khu vực bị xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đồng bằng, ven biển có các tầng chứa nước mặn, nước nhạt nằm đan xen với nhau hoặc khu vực liền kề với các vùng mà nước dưới đất bị mặn, lợ;
Khu vực đã bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn 1km tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác;
Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 4 của Thông tư này cũng quy định: Tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều này và có chiều sâu lớn hơn 20 m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, thông báo tới UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.
Tuân Nguyễn