Cần có chế tài xử lý ĐBQH "nhờ người khác điểm danh"
Chiều 18/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Ủy ban thường vụ cho ý kiến vào dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội.
Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp tại kỳ họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu Quốc hội gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội, nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt để báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Cho ý kiến Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy định này chưa đề cao được trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Ông Giàu chia sẻ: “Đại biểu của nhân dân mà họp thấy hội trường vắng hoe. Cứ nói kiêm nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ luôn có mặt, trừ khi đi công tác nước ngoài. Có những đại biểu chức trách không lớn lắm vẫn dự họp không thường xuyên. Do đó quy định này cần chặt chẽ hơn”.
Dự thảo cũng quy định việc điểm danh tại phiên họp toàn thể được thực hiện bằng hệ thống điểm danh điện tử. Đại biểu Quốc hội không điểm danh thay đại biểu Quốc hội khác. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng nội dung này chưa thể hiện cụ thể hơn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu góp ý: “Trường hợp để quên thẻ hay thẻ vẫn cắm ở đó thì khi bật lên hệ thống cũng tự điểm danh hoặc có đại biểu nhờ người khác cắm thẻ điểm danh thì xử lý thế nào. Do đó cần có chế tài chặt chẽ hơn”.
Ông Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng lý do vắng mặt tại kỳ họp phải gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội là chưa phù hợp mà trước tiên phải gửi trưởng đoàn đại biểu.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Để chấp hành nội quy kỳ họp thì các đại biểu Quốc hội không được đi nước ngoài công tác khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, trừ trường hợp đoàn cấp cao, cấp Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của đại biểu dự kỳ họp. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội xin nghỉ phải có sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Đại biểu Quốc hội và những người liên quan đến kỳ họp mà không thực hiện đúng nội quy thì phải thế nào chứ! Kỳ họp phải nghiêm túc, toàn tâm, toàn ý, chất lượng”.
Điều 15. Phiên họp toàn thể của Quốc hội
1. Quốc hội nghe thuyết trình về dự án, đề án, báo cáo; thảo luận và quyết định các vấn đề trong chương trình kỳ họp tại phiên họp toàn thể.
2. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa trước chủ tọa các phiên họp toàn thể của Quốc hội cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới.
3. Thư ký phiên họp toàn thể của Quốc hội do Tổng thư ký Quốc hội quyết định.
4. Vị trí ngồi của các đại biểu Quốc hội tại phiên toàn thể do Tổng thư ký Quốc hội quyết định.
5. Việc điểm danh tại phiên họp toàn thể được thực hiện bằng hệ thống điểm danh điện tử. Đại biểu Quốc hội không điểm danh thay đại biểu Quốc hội khác.
6. Thời gian thuyết trình về dự án, đề án, trình bày báo cáo không quá 15 phút, trừ trường hợp khác theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp.
7. Biên bản phiên họp toàn thể được lập theo quy định tại Điều 23 của Nội quy này.
(Trích Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội trình UBTV Quốc hội)