Cán bộ công quyền bị bắn, chém: Phải thay đổi cách ứng xử với dân?
Luật sư Lê Cao, Công ty Luật hợp danh FDVN, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng |
- Hiện nay số vụ người dân chống trả một cách phi pháp nhằm vào cán bộ công quyền đang có dấu hiệu gia tăng, ví dụ như vụ nổ súng chấn động ở Thái Bình, vụ chém cán bộ ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) hay vụ chém Công an phường Yên Sở (Hà Nội), ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng là chúng ta đang càng ngày càng phải chứng kiến nhiều hơn những hành động chống trả một cách tiêu cực từ những cá nhân đối với cơ quan công quyền, người của cơ quan công quyền. Từ chống trả CSGT ngoài đường, đến nổ súng, đặt mìn để chống trả mà báo chí phản ánh... là biểu hiện khác của một kiểu mâu thuẫn đặc thù, ở đó có chủ thể của mâu thuẫn là người dân và một bên là cơ quan, người của cơ quan công quyền. Rõ ràng đang có những xung đột từ người có quyền lực công với chủ thể quản lý của họ, hay ngược lại giữa người dân với công bộc của dân, những người được nhân dân trao quyền.
- Điều gì tạo ra sự coi thường pháp luật ngang nhiên như vậy, nhất là coi thường pháp luật để chống trả, tấn công người của công quyền?
Bản chất của hành vi trái pháp luật là có tính chất chống trả lại các khuôn khổ của pháp luật. Không chỉ trong quan hệ giữa một người bình thường với cán bộ, công chức làm việc tại cơ quan công quyền, mà cả các hành vi trái pháp luật từ nặng đến nhẹ hàng ngày trong xã hội nói chung cũng như vậy.
Để dẫn đến hành vi phi pháp thường xuất phát từ cả diễn biến tâm lý bên trong của chủ thể vi phạm và đến từ tác động bên ngoài. Tác động bên ngoài ở đây phải nói đến môi trường sống, với những biến chuyển của xã hội, con người và sự va đập của các mối quan hệ trong lòng xã hội.
- Cụ thể, tác động của xã hội trong những trường hợp như thế diễn ra như thế nào?
Theo tôi, những hành vi gọi là chống trả thường khởi đầu từ các mâu thuẫn. Tại sao xuất hiện mâu thuẫn là câu hỏi chúng ta cần trả lời. Ngăn ngừa được mâu thuẫn thì sẽ ngăn ngừa được những hành vi tự giải quyết mâu thuẫn bằng cách thức tiêu cực.
Quay lại những vụ án như ở Tiên Lãng, Thái Bình có thể thấy rõ có mâu thuẫn nảy sinh rất lớn, sau đó là sự sẵn sàng của các chủ thể muốn giải quyết mâu thuẫn đó bằng một hình thức tiêu cực. Có chuyện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất bất cập không? Có. Có chuyện cán bộ công quyền khi giải quyết, đối thoại với người dân không có một văn hóa ứng xử chừng mực? Có.
Cần phải nhìn thẳng vào sự thật là Nhà nước phải thiết lập được một mô hình quản lý xã hội minh bạch, công bằng và công khai, phải thẳng thắn với người dân và cũng phải thực sự tỏ rõ công cụ quản lý xã hội trên là công cụ đại diện cho quyền lực của dân chứ không phải đại diện cho một thứ quyền lực cá thể, một nhóm người trong xã hội …
- Nhưng việc cả gan xông vào trụ sở để bắn, chém cán bộ cũng có thể là từ sự bộc phát của diễn biến tâm lý tội phạm, thưa luật sư?
Như tôi đã nói ở trên một hành vi phạm tội có thể xuất phát từ cả diễn biến tâm lý bên trong và tác động của môi trường bên ngoài. Cái bộc phát, bốc đồng thể hiện hành vi nhất thời như tự dưng bộc phát tranh cãi, mâu thuẫn rồi đâm chém nhau là chuyện khác. Mâu thuẫn được đẩy lên rất cao qua việc dồn nén ý thức chuẩn bị chống trả thể hiện tính chất không phải nhất thời. Dĩ nhiên có rất nhiều người cũng có mâu thuẫn, nhưng họ đang và đã chọn lựa cách giải quyết khác.
Trong những trường hợp điển hình được nêu ở trên thì có thể thấy có trường hợp người phạm tội không có tiền án, tiền sự, nhưng đã bỗng trở thành một con người khác, sẵn sàng dùng dao, súng để thực hiện hành vi tiêu cực. Thế nhưng đó cũng không phải là sự nhất thời về mặt bản chất, mà về thực chất hành vi đó là hệ quả của chuỗi tâm trạng bất đồng, sự ức chế không thể giải tỏa được tích tụ trong một quãng thời gian dài, nay gặp vào một thời điểm cụ thể thì được thể hiện ra bằng những tình huống có tính chất kích động bùng nổ.
- Ông đánh giá như thế nào về tác động tiêu cực đối với xã hội của những hành vi đầy tính chất bạo lực, xông thẳng vào cơ quan công quyền như đã xảy ra?
Hành vi vi phạm pháp luật là một hiện tượng tiêu cực ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ xã hội nào có nhà nước, đề ra luật pháp, bởi luôn có những phản ứng sẵn sàng chống trả các khuôn khổ pháp lý. Giữa một tội phạm chống trả lại cơ quan công quyền với tội phạm tham nhũng hoàn toàn có chủ thể phạm tội khác nhau nhưng hậu quả cho xã hội là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần … Bởi lẽ một ông tham nhũng có thể làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, làm sập mấy chiếc cầu, gây ra bao nhiêu tai nạn giao thông, và làm thiệt mạng hàng trăm người… nhưng biểu hiện của nó lại âm thầm, khó thấy thậm chí người dân bên ngoài không bao giờ tận mắt thấy biểu hiện của hành vi phạm tội.
Ngược lại, biểu hiện xông thẳng vào cơ quan công quyền, nổ súng bắn người rõ ràng gây nên những chấn động xã hội, tạo ra nỗi bất an cho người dân ở nhiều khía cạnh. Chẳng hạn người dân sẽ phải hỏi chính quyền đã làm gì để tạo nên sự mâu thuẫn đến cao độ với người dân như thế? Rồi đến cơ quan công quyền vẫn dễ dàng bị xâm phạm, bị hành xử bạo lực thì người dân trông đợi ở đâu sự bảo vệ họ …
- Liệu có giải pháp ngăn ngừa không, thưa luật sư?
Hàng năm có đến hàng trăm nghìn đơn thư khiếu nại, tố cáo được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều đơn thư khiếu nại giải quyết rồi người dân vẫn bất đồng, phản ứng khiến tình trạng gửi đơn vượt cấp thường xuyên. Đó cũng chính là biểu hiện khác của sự mâu thuẫn giữa sự quản lý xã hội đối với các chủ thể bị quản lý.
Hiện nay hàng loạt các chính sách pháp luật cơ bản như đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế, phí, lệ phí … tác động trực tiếp đến đời sống người dân đang có lỗi trầm trọng về các tư duy, tư tưởng lập pháp lẫn kỹ thuật lập pháp. Hàng loạt văn bản cho thấy chỉ làm dễ cho quản lý mà đẩy khó khăn cho người dân cũng dễ gây nên một bức bối có thật.
Bên cạnh đó là hệ thống công chức nhà nước với kỹ năng ứng xử, thái độ văn hóa ứng xử công vụ đang dễ dàng tạo ra những xung đột với người dân. Vì vậy điều cần thay đổi căn bản là hệ thống công cụ pháp lý để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, tránh gây ra những xung đột khiến cho sự bức bối bị tích tụ, tiếp đến là phải đào tạo và xây dựng một đội ngũ công chức trình độ, có văn hóa, kỹ năng, thái độ ứng xử phù hợp, thân thiện với người dân để tránh được các xung đột.
Nếu xã hội mà tiêu cực, tham nhũng, sự bất công đang ngày càng đẩy xa người có quyền với người “trao quyền”, người dân ngày càng xa các công bộc của mình, biểu hiện như lương khủng của những ông quan ngành điện, cả nước đua nhau làm trụ sở hoành tráng… thì nguy cơ xung đột vẫn sẽ còn.
- Xin cảm ơn ông!