Căn bệnh không gãi không thể chịu nổi và cách trị tận gốc
Cứ vào tháng Giêng hàng năm, chị Mai lại khốn khổ vì cơ thể xuất hiện những nốt sẩn cục, phồng lên trên da vùng kín.
Căn bệnh mày đay khiến nhiều người khốn khổ |
“Các mảng sần cứ nổi cục cứng trong khoảng một hai ngày rồi biến mất... Tình trạng này cứ lặp lại sau khoảng một tuần, kéo dài hết mùa hoa xoan nở. Lúc bé ở quê mẹ tôi bảo bị bọ xoan đốt nên thường hơ nóng khăn chườm vào là đỡ. Nhưng lớn lên, ra Hà Nội học tình trạng này vẫn không thay đổi. Mà ở thành phố thì lấy đâu ra bọ xoan. Thế mà tôi vẫn bị”, chị Mai băn khoăn.
Chị cũng đã đi khám bác sĩ cho biết chị bị mày đay nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân mà chỉ kê thuốc giảm ngứa. Dẫu không quá ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng tình trạng ngứa ngáy cũng làm cho đôi lúc chị Mai cảm thấy khó chịu.
“Khốn khổ là đến giờ, cô con gái cũng bị giống y hệt tôi. Mà trẻ con thì không chịu được. Cứ nổi lên là nó gãi, càng gãi thì các nốt sần càng nhiều. Lắm lúc nhìn toàn bộ vùng chân, bẹn con mẩn cục lên, vằn vện, đỏ lừ, xót lắm”, chị Mai nói.
Bs Phí Xuân Thi, Bác sĩ chuyên khoa Nhi bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, mày đay là tình trạng nổi ban sẩn dạng nốt đỏ trên da và thường rất ngứa. Chúng có thể xuất hiện do một nguyên nhân dị ứng nào đó. Một vài người có tình trạng nổi mày đay hay còn được gọi là “phù mạch”. Phù mạch là tình trạng sưng hoặc phồng lên. Nó thường xuất hiện ở vùng mặt, mi mắt, tai, miệng, tay, chân, cơ quan sinh dục.
Nguyên nhân của tình trạng này theo các bác sĩ có thể do cơ thể người bệnh dị ứng với thứ gì đó, những dị nguyên có thể gặp như thuốc kháng sinh, hoặc aspirin; có thể nổi mày đay do cơ thể dị ứng với thức ăn (trứng, đậu phộng, cá, tôm cua, sò…). Có trường hợp nổi mày đay do tiếp xúc với sơn, chất tiết của động vật, nhựa… hay bị côn trùng đốt.
“Nếu bạn nổi mày đay với nguyên nhân biết trước, bạn cần tránh nó”, BS Xuân Thi bày tỏ.
Ngoài ra, nổi mày đay cũng có thể do các nguyên nhân như: Nhiễm trùng, thời tiết lạnh, hoặc tiếp xúc với nước, có vật gì đó ấn hoặc rung tác động trên da và sự thay đổi của nhiệt độ cơ thể (ví dụ như bạn bị hạ nhiệt độ sau khi tắm nước nóng hoặc phải làm việc ngoài trời).
Trong hầu hết các trường hợp, mày đay có thể xuất hiện và biến mất sau một vài giờ. Một số người có thể nổi lại sau đó.
“Nếu tình trạng nổi mày đay kéo dài hơn 6 tuần, bạn có thể bị mày đay mạn tính. Mày đay mạn tính thì thường không có nguyên nhân bởi dị ứng. Trong hầu hết các trường hợp đó, bác sĩ thường không biết được nguyên nhân gây ra mày đay mạn tính.
Nếu bạn bị mày đay mạn tính, bạn sẽ phải cần đến thuốc kiểm soát mỗi ngày. Tuy nhiên, mày đay mạn tính thường giảm dần theo thời gian”, BS Xuân Thi nhấn mạnh.
Mặc dù đây không phải là bệnh “quá nguy hiểm” nhưng gây khó chịu trong cuộc sống và đôi khi nổi mày đay hoặc phù mạch lại là một tình trạng phản ứng dị ứng nguy hiểm.
Do đó, BS Phí Xuân Thi lưu ý, nếu thấy cơ thể đột ngột nổi mày đay hoặc sưng phù và có thêm một vài triệu chứng như: khó thở, cảm giác nặng cổ, nôn, buồn nôn, đau quặn bụng, rất mệt mỏi… người bệnh cần phải được đến viện để được khám và xử trí kịp thời.
Đồng tình với quan điểm này, Ths.BS Quách Thị Hà Giang, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng lưu ý, khi điều trị mày đay, tùy vào tình trạng bệnh các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể. Nếu nhẹ có thể dùng thuốc từ liều thấp đến liều cao.
Còn nặng như xuất hiện tình trạng phản vệ thì phải cấp cứu, sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa.
“Vì có quá nhiều nguyên nhân gây bệnh nên khi bị nổi mày đay, người bệnh cần dừng tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng; tránh gãi, chà xát mà chỉ nên xoa nhẹ; tắm nước ấm, tránh tắm quá nóng hoặc quá lạnh; mặc quần áo cotton nhẹ nhàng; tránh các hoạt động nặng ra mồ hôi; sử dụng các sản phẩm tắm gội phù hợp cho làn da”, BS Quách Thị Hà Giang nói.
Để giảm ngứa, các chuyên gia da liễu cho rằng bạn có thể dùng thuốc kháng histamin. Đây là loại thuốc thường dùng cho dị ứng. Tuy nhiên trước khi dùng thuốc phải có sự tham vấn của bác sĩ.
Với trường hợp mày đay do thời tiết lạnh, Bs Giang khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, đi giày đi tất ... tránh tiếp xúc với lạnh đột ngột. Trong sinh hoạt nên mặc áo có chất vải mềm, không nên mặc quần áo quá bó sát cơ thể hoặc những loại vải có lông, sợi tơ cứng ...
Mày đay và phù mạch được chia thành hai thể là cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh cấp tính nếu kéo dài dưới 6 tuần, hầu hết là do phản ứng với thuốc hoặc thức ăn, hoặc với bệnh virus ở trẻ em.
Bệnh mạn tính nếu kéo dài trên 6 tuần, ở nhóm này bệnh còn được chia ra thành hai dưới nhóm là mày đay mạn tính tự miễn (chronic autoimmune urticaria), chiếm 45% và mày đay mạn tính tự phát (chronic idiopathic urticaria), chiếm 55%, tỷ lệ chung của mày đay mạn tính trong dân số là 0,5%.
Khoảng 85% trẻ em có mày đay mà không kèm phù mạch, 40% người lớn có mày đay kèm theo phù mạch. Khoảng 50% bệnh nhân mày đay mạn tính (có hoặc không có phù mạch kèm theo) hết triệu chứng trong vòng 1 năm, 65% trong vòng 3 năm, 85% trong vòng 5 năm, 5% kéo dài trên 10 năm.
H. Anh