“Cấm xe máy là xúc phạm người dân”
Xe máy gắn chặt với mọi hoạt động của người dân hiện nay. |
Trao đổi với báo chí, TS Phạm Sanh – người có nhiều năm nghiên cứu giao thông thẳng thắn cho rằng “hở một chút là cấm” chỉ thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý.
“Đó là giải pháp tồi, không có tâm và vô trách nhiệm với người dân” – ông nói.
Dù vậy, giống như PGS Mai nói trước đó, TS Sanh cũng cho rằng câu chuyện này đã được “nhai đi nhai lại” 20 năm nay và luôn luôn phải chịu phản ứng từ dư luận.
Theo TS Phạm Sanh, lập luận xe máy là kẻ chiếm đất, gây kẹt xe và tổn thất về kinh tế đang gây hoang mang dư luận. Ông nhấn mạnh, hiện tỷ lệ người đi xe máy tại TP.HCM rất lớn và không phải ai cũng “chạy xe máy vòng vòng” để đi chơi.
TS Sanh cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe là do nhu cầu đi lại quá lớn trong khi hạ tầng không đáp ứng đủ. Ông kêu gọi cơ quan quản lý giao thông phải công tâm đánh giá việc này và không thể đưa ra kịch bản “kẹt là do xe hai bánh”.
Đồng thời ông nhận định rằng hệ thống phương tiện công cộng tại TP hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do đó điều cốt lõi là phải làm hạ tầng và mạng lưới giao thông công cộng thật tốt, khi đó người dân sẽ chọn đi.
“Không có ai tự chạy xe máy lòng vòng ngoài đường để chịu cảnh kẹt xe cả”; “Nói cấm xe máy là xúc phạm người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp” – ông cho hay.
Đang có sự xung đột lớn giữa xe cá nhân và xe công cộng. |
Có cùng quan điểm trên, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho rằng vấn đề cơ bản là cấu trúc đô thị của TP hiện nay phù hợp với xe máy mà không hợp với phát triển ô tô.
Do vậy, với ông đề xuất cấm xe máy không thực tế và hoàn toàn sai lầm. Ông cũng phản đối quan điểm cho rằng xe máy đang làm thiệt hại kinh tế, thậm chí có nhận định ngược lại rằng xe máy đang làm lợi cho TP.
Theo ông thời gian qua TP đã dành nhiều chi phí để mở rộng đường, cho xe buýt tiếp cận gần hơn đến người dân, tuy nhiên xe máy vẫn là “cứu tinh” cho giao thông đô thị trong điều kiện xe buýt chưa thể phát triển rộng khắp.
Tuy nhiên về lâu dài ông đồng ý rằng cần phải có biện pháp hạn chế xe máy, bắt đầu bằng thí điểm cấm ở một số khu vực.
“Chúng ta không thể cấm 100% và phải có lộ trình, thời gian thích hợp. Khi metro hoàn thành, phương tiện công cộng đầy đủ, giao thông kết nối phù hợp… thì người dân sẽ thấy được cái gì có lợi và sử dụng” – ông nhận định.
Đề xuất cấm xe máy đã gây ra một “trận bão” các ý kiến trái chiều trong những ngày gần đây. Tuy nhiên trước đó đã có không ít ý kiến đề cập đến việc này, tiêu biểu là TS Lương Hoài Nam – người rất “kiên định” với ý tưởng cấm xe máy trong đô thị.
Trong rất nhiều bài tham luận tại các hội thảo, ông Nam ví von rằng xe máy là phương tiện “nhanh như ô tô, nhưng thô sơ như xe đạp” do đó tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, và người Việt đi xe máy là vì cơ quan quản lý không phát triển được hệ thống giao thông công cộng chứ không phải vì yêu thích.
Ông cũng cho rằng với mức độ phát triển xe máy như hiện nay thì hệ lụy không chỉ là kẹt mà thời gian tới các phương tiện còn không thể di chuyển.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng rất khó để dung hòa giữa các loại hình phương tiện tại TP.HCM trong thời điểm này. |
Trước đó trong cuộc hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân – Thực trạng và giải pháp” tại TP.HCM, PGS. TS Phạm Xuân Mai – nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM đã có những phát biểu gây tranh cãi về vấn đề này.
Ông nhấn mạnh rằng xe máy là thủ phạm chính gây ra tai nạn giao thông, làm chết gần 10.000 ngàn người và hàng chục ngàn người bị thương mỗi năm – tương đương số người chết của 43 vụ rơi máy bay hạng trung.
“Nhưng cứ mỗi lần đề xuất là lại có ý kiến bàn lui vì lo ảnh hưởng đến người nghèo” – ông nói, và cho rằng đất nước giờ không còn nghèo nữa, nên “đừng đem cái nghèo ra dọa nhau mãi”.
Tuy đề xuất cấm xe máy hay ô tô có nhiều ý kiến khác nhau nhưng quan điểm phải phát triển giao thông công cộng nhận được sự đồng tình tuyệt đối của các chuyên gia, nhưng họ cũng có chung nhận định rằng chính sách phát triển giao thông công cộng của TP tính đến nay đã thất bại.