“Cấm thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em là cần thiết”
Đánh giá chung về dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, Dự thảo luật báo chí đã tiếp cận quyền con người và quyền tự do báo chí trong Hiến pháp. Ở đây cũng sắp xếp báo chí theo một trật tự nhất định, thu hẹp báo chí hiện nay còn đang được tài trợ ngân sách.
Mặt khác, dự thảo lần này vừa đảm bảo tự do báo chí lại vừa đảm bảo chuẩn thông tin. Đây là điều xã hội đang rất cần. “Cử tri đang cần những thông tin thực, hữu ích, chứ không cần những thông tin giật gân câu khách. Thu hẹp và có quản lý chất lượng thông tin, tôi cho rằng dự thảo đã thể hiện được cái mới”- bà An nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội) |
Về việc cơ cấu lại diện mạo báo chí, bà An cũng bày tỏ ý kiến, nên tạo điều kiện về mặt luật cho những mô hình báo chí không sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, ĐBQH An cũng bày tỏ băn khoăn về các dạng thông tin khác như trang tin điện tử dưới dạng báo và mạng xã hội như Facebook. Theo bà An, loại hình này có tốc độ lan truyền rất mạnh, vậy sẽ có cách quản lý thế nào.
Trả lời câu hỏi về việc dự thảo quy định nội dung bị cấm, trong đó, có “thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân”, ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, quy định như vậy là rất cần thiết.
“Khi đưa thông tin báo chí có tác dụng lan tỏa rất lớn, có tác động rất lớn. Nếu thông tin trung thực, điều đó rất tốt, kể cả những thông tin về thân nhân những người vi phạm. Nhưng nếu đưa thông tin sai, nó làm cho mọi chuyện sẽ nhiễu”- bà An lý giải.
Bà An cũng nói thêm, trong trường hợp này, tôi nghĩ còn phải nghiên cứu trách nhiệm của những người lãnh đạo báo chí. Lãnh đạo báo chí quản lý làm sao những thông tin hữu ích cho xã hội, không ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.
Cũng liên quan đến nội dung, quy định cấm đăng “thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em”, theo bà An, những thông tin xấu, gây ảnh hưởng đến trẻ em thì nên hạn chế bớt. Vì trẻ em mới trong giai đoạn mới hình thành, những thông tin xấu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ em. Trẻ em trong giai đoạn hình thành nhân cách sẽ không thể phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai.
Việc đưa những thông tin gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em sẽ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực, nhận thức, của nhiều thế hệ. Đây là điều rất nguy hiểm. Bà An bày tỏ thái độ ủng hộ về quy định cấm này.
Còn đại biểu Hà Minh Huệ (tỉnh Bình Thuận) cũng đánh giá, đây là dự thảo tương đối đầy đủ, đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận không chỉ của báo chí mà còn cả của công dân báo chí”. “Cái khó hiện nay của chúng ta là xây dựng làm sao, luật đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng phải đảm bảo tự do trong khuôn khổ”, ĐB Hà Minh Huệ nói.
Đồng thời, đại biểu Hà Minh Huệ cũng nêu quan điểm: “Dự luật lần này nêu rõ báo chí được quyền làm cái gì, không được làm cái gì, nội dung hành vi và thông tin bị cấm. Nói như thế, nhiều người lại cho rằng, đó là hạn chế chăng? Nhưng tôi cho rằng, các nhà báo cũng phải suy nghĩ làm thế nào để thông tin một cách đầy đủ nhất nhưng đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích của trật tự xã hội. Chứ nếu chúng ta thông tin mà ảnh hưởng đến trật tự xã hội là không hay".