Cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp
Trước thực trạng “lộn nhộn” của loại hình kinh doanh đa cấp gây mất niềm tin trong xã hội về một loại hình kinh doanh mới, ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) khẳng định, dù bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh pháp luật Việt Nam không cấm nhưng thời gian tới phương thức kinh doanh này sẽ được “siết chặt” quản lý.
Tại Hàn Quốc, Trung Quốc… loại hình này phát triển rất mạnh mẽ và ngay cả những nước có kinh nghiệm quản lý họ cũng chưa kiểm soát hết.
“Đem lại lợi nhuận nhưng đúng là bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh phức tạp, khó kiểm soát”- ông Nam thừa nhận.
Vụ án lừa đảo của Muaban24 đã gây rúng động trong xã hội |
Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trước đây cả nước có 90 DN đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp nhưng nay rút xuống chỉ còn 61 DN, trong đó có 3 DN đã bị rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn vì những sai phạm nghiêm trọng.
Trước những biến tướng phức tạp của kinh doanh đa cấp, Cục đang trình bộ Công Thương xây dựng sửa đổi Nghị định 110 theo hướng chặt chẽ hơn.
Việc sửa đổi sẽ thay đổi quy định cấp giấy phép bán hàng đa cấp, để kiểm soát chặt chẽ hơn. Thay vì trước kia giao cho các địa phương trực tiếp bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương sẽ trực tiếp cấp giấy phép và coi đây là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
“Các DN sau khi được cấp phép tại địa phương đều chuyển hướng đến các thành phố lớn dẫn đến việc quản lý chồng chéo, không hiệu quả. Quy về một mối cấp giấy phép sẽ phần nào ngăn chặn được tình trạng kinh doanh “biến tướng” này.
Ngoài ra, quy định mới cũng sẽ cấm các DN kinh doanh theo hình thức Kim tự tháp, bởi theo hình thức này hàng hóa không được đưa vào kinh doanh và đến tay người tiêu dùng mà doanh thu của các công ty chủ yếu đến từ việc đóng phí gia nhập của người tham gia.
Mức ký quỹ của DN bán hàng đa cấp cũng sẽ được nâng từ mức 1 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng và ký quỹ bằng tiền mặt để mang tính răn đe nhiều hơn.
“Cần thiết phải có một mức kinh phí đủ để các DN trang trải các khoản kinh doanh. Mức ký quỹ 1 tỷ đồng như trước kia thông qua bảo lãnh ngân hàng khi thế chấp bằng tài sản đã gây khó khăn trong xử lý và người tiêu dùng thường chịu thiệt” – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh chia sẻ.
Vụ án "tập đoàn lừa đảo" Muaban24 được báo chí lật tẩy hồi giữa năm 2012 được coi là "vụ án" gây chấn động trong giới kinh doanh bán hàng đa cấp. Hay sự sụp đổ của Agel - một DN kinh doanh đa cấp tại Việt Nam hồi đầu năm 2012 cũng đã lộ tẩy mất trắng tiền của hàng trăm người tham gia.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/9, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói "Làm giàu không phải không làm được nhưng rất khó. Nếu làm giàu dễ như những lời dụ dỗ đó, thì liệu có đến lượt mình không? Chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân hiểu".
Người phát ngôn Chính phủ cũng nhấn mạnh "Nếu như phát hiện ra hiện tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật hiện hành và gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân thì pháp luật sẽ nghiêm trị".