Cạm bẫy "web đen" tấn công trẻ em nam
Trẻ trai sập bẫy…
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44 - Bộ Công an) đã điều tra và truy tố Larroque Olivier (SN 1962), quốc tịch Cộng hòa Pháp, có hành vi xâm hại tình dục trẻ em nam. Qua điều tra ban đầu, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định được 9 trẻ nam là nạn nhân của Larroque Olivier. Nạn nhân đều là trẻ lang thang vị thành niên dưới 16 tuổi. Thủ đoạn của gã là làm quen với nạn nhân bằng cách cho tiền, rủ đi ăn, rồi đưa vào khách sạn. Sau khi cưỡng ép nạn nhân “quan hệ”, gã quay phim chụp ảnh trẻ tình trạng khỏa thân hoặc đang bị hắn dâm ô rồi lợi dụng những bức ảnh này để đe dọa đăng lên mạng, bắt các em tiếp tục “phục vụ” mình.
Trước đó, tháng 10/2014, Cục C50 đã triệt phá đường dây sử dụng web sex để lừa đảo, lạm dụng tình dục trẻ em nam. Đối tượng Nguyễn Trần Bảo Anh và Nguyễn Lê Việt đứng ra thành lập diễn đàn web sex Vkid.vn - là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất hiện nay tại Việt Nam chuyên trao đổi, mua bán phim ảnh khiêu dâm trẻ em đồng tính nam. Chúng thường xuyên tổ chức offline tại các bể bơi, nhà riêng, hoặc các quán game cho các thành viên trên diễn đàn, lôi kéo trẻ em nam cùng tham gia để lợi dụng và có hành vi dâm ô trẻ em nam. Tại cơ quan điều tra, Bảo Anh khai nhận có hành vi dâm ô với 3 trẻ em nam tại nơi thuê trọ, đồng thời được quay clip để lưu trên máy tính cá nhân. Còn Việt đã sử dụng mạng để lừa đảo, đe dọa các bé trai tự làm phim khiêu dâm và gửi cho Việt phát tán lên mạng. Để có phim mới, Việt nhắn tin đe dọa các em nam nếu không tiếp tục làm phim sẽ gửi phim đó cho FBI, cho bố mẹ và bạn bè biết. Vì lo sợ, các em tiếp tục làm thêm phim để gửi Việt…
Còn nhiều “lỗ hổng” trong quản lý, ngăn ngừa
Nhiều phụ huynh mặc định, con trai lên mạng chỉ… nghiện game hoặc xem “phim đen” mà không ngờ rằng, mạng cũng có nguy cơ biến các em trở thành nạn nhân của tội lạm dụng tình dục. Thậm chí, khi bị lạm dụng tình dục, những tổn hại về thể xác và tinh thần mà bé trai gánh chịu nặng nề hơn bé gái. Nó khiến các em loay hoay không biết mình thuộc giới tính nào, không dám nói ra với ai. Nhiều em bị người nước ngoài xâm hại nhiều lần dẫn đến bị nứt kẽ hậu môn, HIV phải đi bệnh viện điều trị. Những em nam bị xâm hại mất khả năng phấn đấu, sáng tạo trong học tập, lao động.
Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng công nghệ thông tin, tiếp cận làm quen, đưa hình ảnh của mình được đánh bóng, có xe đẹp, quần áo đẹp lôi kéo, kết bạn, làm quen, rủ rê đi mua sắm, tách các em khỏi môi trường của bố mẹ, rồi dụ dỗ hoặc ép quan hệ tình dục. Một cách tiếp cận phổ biến và tinh vi hơn là qua web khiêu dâm, facebook, qua chát ở cửa sổ game. Với cách làm này, tội phạm không cần lộ diện, không mất công sức nhưng vẫn lôi kéo được trẻ.
Theo ông Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội Phòng chống các loại tội phạm liên quan đến trẻ em (Bộ Công an), xâm hại tình dục trẻ em nam chưa phổ biến nhưng tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Một số em sau khi bị xâm hại đã lôi kéo các em khác. Bộ luật hình sự đã có nhiều quy định phạm tội xâm hại tình dục trẻ em và quy định tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Tuy nhiên, hành vi truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em thì chưa được quy định và cũng chưa có chế tài xử lý thích đáng và hiện cũng chưa có biện pháp đối với các đối tượng xem, lưu trữ phim, ảnh khiêu dâm trẻ em.
“Do tội phạm này là mới, nên vẫn chưa được xã hội và phụ huynh quan tâm đúng mực. Cha mẹ cần giúp các em nhận thức và có kỹ năng sử dụng internet một cách lành mạnh. Khi phát hiện ra những dấu hiệu bị lạm dụng, các em cần phải dừng ngay, nhờ người lớn tư vấn, gọi điện đường dây nóng, báo cơ quan công an gần nhất, để được bảo vệ, không che giấu hành vi lôi kéo để xâm hại tình dục”.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF tại VN đưa ra thống kê của Chính phủ, có khoảng hơn 4.000 trẻ vị thành niên đang tham gia vào mại dâm, trong đó trẻ em nam có xu hướng tăng. “Chúng ta cần gia tăng hơn những chương trình trang bị kiến thức để các em nhận biết được thế nào là hành vi xâm hại và những nguy cơ, địa chỉ cần kêu cứu khi gặp nguy hiểm. Nhiều cha mẹ dạy con phòng chống xâm hại, song đôi khi chính cha mẹ còn hạn chế thông tin, nhất là hiểu biết về công nghệ, quan điểm sai lệch (như đánh mắng...) mang lại nhiều hệ quả phản giáo dục hơn là tích cực” - bà Loan nói.
Theo H. Nhung/Báo Phụ nữ Thủ đô