Cái khó của bộ trưởng Thăng!
Tuy chỉ mới nhận nhiệm vụ “tư lệnh” ngành được hơn nửa nhiệm kỳ, nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nhanh chóng được người dân cả nước biết đến với những phát ngôn mạnh mẽ đầy chất lửa. Những cụm từ như “từ chức”, hay “xử lý”, “cách chức”…được Bộ trưởng Thăng sử dụng tương đối nhiều.
Gần đây ông lại thu hút sự chú ý của dư luận khi tiếp tục đưa ra “đề nghị cách chức” một Giám đốc Sở. Đó là lần hội nghị giao ban trực tuyến giữa UB ATGT Quốc gia với các tỉnh thành cả nước về thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng |
Đến phiên báo cáo ở Hải Phòng, Giám đốc Sở GTVT Đàm Xuân Lũy nêu ra những thực trạng đang tồn tại ở địa phương. Trong đó ông Lũy đề cập đến thực trạng 90% DN vận tải không được Sở cấp phép nhưng vẫn hoạt động bình thường.
Trước thông tin này, Bộ trưởng Đinh La Thăng bức xúc cho rằng điều này “không thể chấp nhận”, và nói “có thể đề nghị cách chức anh Lũy” trước sự chứng kiến của lãnh đạo 63 tỉnh thành, trong đó có lãnh đạo TP Hải Phòng.
Nhiều ý kiến đã tỏ ra rất đồng tình với lời “đề nghị” của vị “tư lệnh” ngành GTVT. Trong trường hợp này, Bộ trưởng Thăng hoàn toàn đúng khi chỉ có thể đưa ra “đề nghị” trong việc xử lý cán bộ địa phương.
Bộ trưởng có thể “trảm tướng” ở những đơn vị trong ngành thuộc sự quản lý của Bộ GTVT. Còn muốn kỷ luật, cách chức một giám đốc Sở lại là thẩm quyền của mỗi địa phương.
Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy |
Nhưng xét về “ngành dọc” thì lời đề nghị kỷ luật, hay cách chức của Bộ trưởng đối với một Giám đốc Sở tuy hiếm gặp nhưng cũng có thể được coi là “lá phiếu” quan trọng để địa phương đưa ra quyết định. Trong trường hợp này “đề nghị cách chức anh Lũy” của Bộ trưởng Giao thông được ghi nhận đến đâu?
Từ kênh báo chí thì thấy đến giờ này TP Hải Phòng vẫn chưa đưa ra quyết định nào từ “đề nghị” của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Còn người bị “đề nghị” là Giám đốc Sở Giao thông Đàm Xuân Lũy lại tỏ ra khá bình thản. Nghe trực tiếp, chứng kiến trực tiếp nhưng trả lời với báo chí về việc này, ông Lũy chỉ cho rằng “bác Thăng nói vậy cho vui thôi”, và tỏ ra không hề sợ trước “đề nghị” ấy.
Không biết Bộ trưởng Thăng nghĩ gì với cách phản biện này, nhưng chắc hẳn ông không nói để “cho vui” (?!). Tai nạn giao thông là vấn đề vô cùng nhức nhối, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi năm.
Cả hệ thống chính trị đang phải vào cuộc, Bộ Giao thông được xác định là nòng cốt, làm sao có thể “nói cho vui” trong một hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của PTT Nguyễn Xuân Phúc được đây? Mặt khác xử lý kỷ luật, cách chức một cán bộ lại là giám đốc của một sở ngành thì cũng đâu thể “nói cho vui” được? Phải chăng lời “đề nghị” của Bộ trưởng đang bị coi nhẹ?
Hiện trường một vụ tai nạn từ xe container mang BKS Hải Phòng. (Ảnh IT) |
Còn nhớ đã có lần Bộ trưởng Thăng đã thẳng tay “trảm tướng” ngay tại công trình khi để xảy ra chậm tiến độ. Không biết lúc đó vị “tướng” kia có nghĩ Bộ trưởng nói vậy cho “vui” không?
Cả hai vị đều có chung một “đề nghị”. Tuy nhiên hai người này lại ở những cương vị khác nhau. Với vị “tướng” để công trình chậm tiến độ, Bộ trưởng Thăng hoàn toàn có thẩm quyền “trảm”, vì đơn vị này nằm dưới sự quản lý của Bộ Giao thông.
Còn Giám đốc Sở GTVT lại hoàn toàn khác. Bởi muốn xử lý kỷ luật, hay cách chức Giám đốc Sở thì phải do HĐND, hoặc UBND ra quyết định. Trường hợp này lời đề nghị của Bộ trưởng chỉ mang tính tham khảo, điều quan trọng là nó được ghi nhận ở mức độ nào mà thôi.
Tai nạn giao thông đe dọa trực tiếp đến sự an toàn và sinh mạng của mỗi người dân. Muốn đầy lùi được vấn nạn này, không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ ngành, mà cần sự quyết tâm lớn của các địa phương, chứ không thể nói và làm “cho vui” được.
Ngày đầu nhậm chức Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gây ấn tượng với một phát ngôn ấn tượng “Là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận”.
Nhưng bổ nhiệm hay kỷ luật, cách chức Giám đốc Sở lại thuộc thẩm quyền của địa phương. Phải chăng đây là cái khó của Bộ trưởng trong quản lý “ngành dọc” (?!).