Cải cách mạnh mẽ với mục tiêu "3 tốt", Vĩnh Phúc vươn lên thứ 5 về chỉ số PCI
Từ 1 tỉnh có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 29 với 63,84 điểm vào năm 2020, thật bất ngờ, bước sang năm 2021, Vĩnh Phúc đã có sự thay đổi ngoạn mục, PCI vươn lên vị trí thứ 5 với 69,69 điểm.
Năm 2020 - 2021 là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giúp hoạt động sản xuất không bị gián đoạn. |
Năm 2020, kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành với 63,84 điểm, giảm 2,91 điểm và giảm 12 bậc so với năm 2019. Trong 10 chỉ số thành phần, có 5/10 chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng, chỉ có 3/10 chỉ số tăng điểm và tăng thứ hạng. 9/10 chỉ số không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, chỉ số Tiếp cận đất đai có thứ hạng thấp và chưa được cải thiện trong nhiều năm liền (xếp thứ 61/63), chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 59/63, chỉ số Chi phí không chính thức xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố; các chỉ số khác mặc dù đã có sự cải thiện về điểm số hoặc thứ hạng nhưng vẫn không đạt mục tiêu kế hoạch.
Sau khi kết quả PCI năm 2020 được công bố, Vĩnh Phúc đã quyết tâm thay đổi, chủ động, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và Chỉ thị số 11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.
Và thật bất ngờ, bước sang năm 2021, nhìn bảng xếp hạng PCI năm 2021 cho thấy, Vĩnh Phúc đã ngươc dòng ngoạn mục khi từ vị trí thứ 29 năm 2020 vươn lên vị trí thứ 5 năm 2021 với 69,69 điểm; nhiều chỉ số thành phần cải thiện vượt bậc như chỉ số Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Tiếp cận đất đai, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đằng sau thành quả đáng phấn khởi này những nỗ lực không ngừng của Vĩnh Phúc.
Để có được thành quả đó, từ năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra mục tiêu “3 tốt” gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, phục vụ doanh nghiệp tốt.
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính được coi là một trong những khâu đột phá quan trọng, triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản về thủ tục.
Nhiều mô hình, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính được áp dụng. Đó là đơn giản hóa 26 thủ tục hành chính; cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia bằng hình thức quét mã QR tại quầy, tích hợp đa dạng dịch vụ thanh toán của các ngân hàng, ví điện tử, trung gian thanh toán; cung cấp hệ thống chatbot trả lời tự động các câu hỏi, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính trên nền tảng mạng xã hội Zalo, facebook và Cổng dịch vụ công tỉnh Vĩnh Phúc.
Trên hệ thống, các kịch bản hỏi - đáp được xây dựng cụ thể, chi tiết, dễ hiểu; có hàng trăm lượt hỏi đáp được trả lời tự động thông qua hệ thống mỗi tuần, tỷ lệ phản hồi chính xác đạt trên 80%.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực Thuế, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế xuống còn 40 ngày làm việc và cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước xuống dưới 115 giờ/năm; thực hiện số hóa, liên thông hồ sơ điện tử các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai giữa cơ quan Thuế và Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên môi trường.
Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ được ký số khi luân chuyển giữa hai đơn vị, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch.
Người dân nhận thông báo nghĩa vụ tài chính bằng bản điện tử và có thể thanh toán trực tuyến ngay qua Cổng dịch vụ công Quốc gia mà không cần đi lại nhiều lần giữa Văn phòng đăng ký đất đai - cơ quan thuế - ngân hàng/kho bạc.
Chính vì thế, trong năm 2021, đã có gần 8000 giao dịch thanh toán thuế, với số tiền thanh toán đạt trên 42 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2020 - 2021 là thời điểm dịch bệnh Covid-19 trong cả nước cũng như ở tỉnh diễn biến phức tạp, việc áp dụng các quy định phòng chống dịch khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI gặp khó khăn. Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, Vĩnh Phúc xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế thích ứng theo từng cấp độ dịch.
Những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, Vĩnh Phúc đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp về tuyển dụng lao động, tìm kiếm thị trường; yêu cầu các địa phương thực hiện triệt để, đồng bộ các giải pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời, khẩn trương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giúp hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, không có doanh nghiệp nào phải đóng cửa, dừng sản xuất; nhiều doanh nghiệp còn mở rộng sản xuất, tăng quy mô đầu tư, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Những nỗ lực này đã giúp Vĩnh Phúc cải thiện điểm số và thứ hạng ở một loạt chỉ số thành phần. Nổi bật là chỉ số Chi phí thời gian với 8,46 điểm, tăng 0,13 điểm so với năm 2020, xếp thứ 3 cả nước; chỉ số Chi phí không chính thức với 8,05 điểm, tăng 1,8 điểm so với năm 2020, xếp thứ 3 cả nước; 2 chỉ số: Cạnh tranh bình đẳng và Tiếp cận đất đai cùng đứng vị trí thứ 7 cả nước, trong đó, chỉ số Tiếp cận đất đai đạt 7,56 điểm, tăng 1,76 điểm so với năm 2020. Kết quả PCI 2021 ghi nhận 93,9% doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc đánh giá cán bộ giải quyết thủ tục hành chính làm việc hiệu quả (cao thứ 6 toàn quốc); 93,2% doanh nghiệp đánh giá các cán bộ này có thái độ thân thiện (cao thứ 2 cả nước), và 89,5% doanh nghiệp đồng ý rằng nhìn chung thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tại tỉnh ngắn hơn so với quy định - thành tích tốt thứ 3 cả nước.
N.Hải