Cách tính Bảo hiểm xã hội 2016: Không tính thưởng, xăng xe, hỗ trợ đi lại...
Tại Hội nghị cung cấp thông tin để triển khai luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu, BHXH Việt Nam cho biết Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017 tính đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động.
Ảnh minh họa. |
Như vậy so với quy định trước đây, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 - 2017 có thêm khoản phụ cấp lương.
Từ ngày 01/01/2018 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH ngoài mức lương, phụ cấp lương còn có thêm các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Tỷ lệ % đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Về mức đóng BHXH bắt buộc năm 2016 không thay đổi. Cụ thể người lao động đóng bằng 8% tiền lương tháng đóng BHXH (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất); người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng đóng BHXH (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản). Tổng tỷ lệ đóng là 26% tiền lương tháng đóng BHXH.
Tăng mức xử phạt
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 01/01/2016, người sử dụng lao động, người lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên ngoài việc đóng đủ số tiền còn phải nộp tiền lãi gấp 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH.
Phụ cấp lương ở đây là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc: có yếu tốc độ hại, nguy hiểm, nặng nhọc, thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng...
Về các khoản bổ sung khác là khoản tiền liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang bảng lương, định mức lao động theo quy định, làm căn cứ thỏa thuận hợp đồng lao động, trả lương cho người lao động.
Nhiều ý kiến lo ngại việc đưa một số phụ cấp lương và khoản bổ sung khác vào đóng BHXH sẽ gây áp lực với doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp “xén chỗ này, bớt chỗ kia” và gánh nặng lại đổ lên vai người lao động. Tuy nhiên, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, Bộ đã có thông tư 47 hướng dẫn, nói rõ các khoản tiền lương, các khoản phụ cấp (gồm hai loại: loại xác định theo đầu vào, ghi trong hợp đồng lao động và loại không xác định từ trước mà chỉ căn cứ hiệu quả làm việc của người lao động), và các khoản bổ sung khác khác.
Mặt khác trong quy định cũng nêu rõ, các loại tiền thưởng, tiền sáng kiến, hỗ trợ đi lại, xăng xe, nuôi con… sẽ không được đưa vào phụ cấp hay bổ sung để tính vào BHXH.
Theo bà Nga, việc Quốc hội nâng nền tiền lương đóng BHXH nhằm mục đích để đời sống của người hưởng BHXH được nâng lên trong quá trình làm việc như khi ốm đau, sinh con được hưởng chế độ cao hơn cũng như giúp người lao động sau khi nghỉ hưu.
Để đảm bảo sự thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn nên Quốc hội đã quyết định đi 2 bước: năm 2016- 2017 tính đóng BHXH theo mức lương, phụ cấp lương và đến 2018 có thêm các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
“Thời gian qua, các doanh nghiệp cứ nghĩ tất tất tật những khoản người lao động cầm về là phải đóng BHXH nên doanh nghiệp rất hoang mang. Nhưng với lộ trình thực hiện như vậy, doanh nghiệp có thể chịu đựng được”, Bà Nga cho biết.
Vụ trưởng Vụ BHXH cũng chia sẻ, thời gian qua nhiều lo ngại về việc chuẩn bị thực hiện Luật BHXH sửa đổi, thậm chí có người còn nhấn mạnh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH.
Tuy nhiên bà khẳng định, quỹ BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội nên không bao giờ có chuyện vỡ quỹ BHXH. Nếu quỹ gặp khó khăn, Nhà nước sẽ có thay đổi chính sách để bảo đảm cho quỹ.
Trong Luật BHXH sửa đổi cũng quy định về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Cụ thể BHXH mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc gồm cán bộ xã không chuyên trách, người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, người lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn 1- 3 tháng, lao động là người nước ngoài.
Bà Trần Thị Thúy Nga khẳng định, việc quy định lao động đi nước ngoài phải tham gia BHXH bắt buộc không mới. Lao động Việt sang nước ngoài phải tham gia BHXH bắt buộc, tương tự người nước ngoài sang Việt Nam cũng phải vậy. Đây là cơ hội để người lao động bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền hưởng lương hưu. Hơn nữa, nền tiền lương đóng cũng rất hạn hẹp không gây khó khăn cho người lao động.
Để tránh tình trạng đóng bảo hiểm 2 lần, trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ ký bảo hiểm tương hỗ BHXH giữa các quốc gia như Đức, Hàn Quốc.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân (Bộ LĐ-TB&XH), cũng cho biết mục tiêu quan trọng của Luật BHXH là tìm mọi cách để mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Bởi hiện nay có khoảng 80% người trong độ tuổi lao động không có lưới an sinh, vì thế khi gặp sự cố, khi đến tuổi không còn sức lao động, không còn thu nhập thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
Thứ trưởng cho biết sắp tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ có thông tư hướng dẫn việc đóng BHXH. Dù cố gắng nhưng hệ thống văn bản có thể không kịp ra trước ngày 01/01/2016.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp địa phương hiện nay vẫn chưa xây dựng xong thang bảng lương do đó từ 01/01 đến quý I/2016 vẫn tạm thời thu BHXH trên nền cũ. Tuy nhiên trong quý I/2016 bắt buộc phải hoàn thành, tuân theo bảng lương được xây dựng mới.