Cách tiếp công dân của Bí thư Hà Nội, TPHCM “rất trôi chảy”
Viêc Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về làng cổ Đường Lâm lắng nghe nguyện vọng của người dân đã giải quyết được vấn đề bức xúc của người dân. Ảnh TTVH |
Cho ý kiến về dự án Luật tiếp công dân vào sáng 19/8, vấn đề quan trọng hàng đầu được đa số các ĐB UBTVQH đề cập là tính khả thi từ việc tiếp công dân có mang lại hiệu quả không, có chấm dứt được tình trạng vòng vo, dân phải đi hết chỗ này đến chỗ khác không...
Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc tiếp dân thì phải giải quyết được công việc và mang lại hiệu quả. Ông Giàu đưa ví dụ, gần đây nhất Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phối hợp với ngành văn hóa về làng cổ Đường Lâm, trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, việc tiếp công dân như vậy đã giải quyết cơ bản bức xúc của người dân.
Hay ở TPHCM, Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP cũng đã tổ chức tiếp công dân ở 3 địa điểm để giải quyết những bức xúc mà vài chục năm còn “treo”. Tất cả đều rất trôi chảy và mang lại hiệu quả thiết thực. Trước thực tế đó, ông Giàu cho rằng việc tiếp công dân tại trụ sở hành chính hay ở ngoài cũng đều là vấn đề rất lớn, cần phải cân nhắc.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc tiếp công dân tại cơ sở thường mang lại hiệu quả rất cao. Nói về việc tiếp công dân của Bí thư TP HCM, ĐB rất đồng tình khi báo chí đưa ra nhận định "chỉ gặp Bí thư 20 phút bằng cả 20 năm".
Đề cập đến hiệu quả từ chủ trương này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu băn khoăn: “Tiếp công dân rồi thì giải quyết thế nào?”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải làm rõ trình tự cụ thể, việc này đã có nhiều kinh nghiệm nhưng điều quan trọng là “Ra luật này ổn chưa, có khả thi hay không?”.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải làm rõ có tiếp được hay không thì hãy mở trụ sở, nếu không thì cứ để trụ sở tiếp công dân ở Trung ương thôi. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội nếu mở ra mà không giải quyết thì còn tệ hơn không mở.
Cùng đề cập đến hiệu quả tiếp công dân, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, tiếp công dân phải giải quyết được vấn đề, không để người dân đi lại tốn kém. “Khiếu kiện đông người rất phức tạp. Người dân không vào trụ sở mà ở bên ngoài thì phải giải quyết thế nào? Luật có quy định bao nhiêu người đại diện vào trụ sở tiếp công dân không?”.
Theo ông Phúc, không phải chỉ trụ sở mới tiếp công dân. Trong các kỳ tiếp xúc cử tri cũng chính là tiếp công dân. Ông cho rằng hiệu quả nhất cũng chính là tiếp xúc người dân ở cấp cơ sở. Còn dân kéo đến trụ sở thì rất cực khổ, gây áp lực lên cả người tố cáo và người tiếp nhận, xử lý.
Ông Phúc cũng đề nghị, việc tiếp công dân phải là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chứ không nên cử cho cấp phó.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì nêu: Các nước có luật tiếp công dân không? Nếu có thì cần xem kinh nghiệm của họ thế nào để áp dụng cho tình hình chúng ta.
Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, luật riêng về tiếp công dân như ở ta thì chưa thấy nước nào có, nhưng có quy định gắn với thiết chế công dân. Với câu hỏi rất lớn mà Chủ tịch Quốc hội nêu là “Tiếp rồi thì giải quyết thế nào?”, phía Thanh tra Chính phủ cho rằng, luật này sẽ hỗ trợ cho luật khiếu nại, tố cáo hiện hành.
Đa số các ĐB UBTVQH đều cho rằng cần cân nhắc trụ sở tiếp công dân của Quốc hội, vì như vậy ở Trung ương có đến hai trụ sở tiếp công dân. Quốc hội chỉ cần có một phòng tiếp công dân thay vì trụ sở như của Trung ương Đảng hiện nay.