Các nhà báo truy vấn về “quyền phạt báo chí"
Chủ trì buổi họp báo hôm nay (31/12), ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp đã chỉ định các đại diện phòng ban chức năng trả lời những vấn đề mà các nhà báo thắc mắc.
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Trả lời câu hỏi của PV Infonet về quan điểm của Bộ Tư pháp khi hiện nay có nhiều bộ ngành khác có quy định về xử phạt báo chí, ông Đặng Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ triển khai đề án về xử lý vi phạm hành chính cho biết: “Vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản. Tuy nhiên một số hành vi cũng thuộc báo chí nhưng lại quy định tại một số nghị định khác. Tôi xin đính chính nó nằm ở nghị định khác chứ không phải do các Bộ quy định. Đây là một vấn đề thực tiễn không chỉ xảy ra với báo chí mà còn có thể xảy ra ở lĩnh vực khác. Từ 130 nghị định bây giờ Chính phủ rút xuống còn 50 nghị định. Số lượng hành vi quy định trong mỗi lĩnh vực trong đó có báo chí lên đến mấy trăm ngàn hành vi cho nên có thể có sự trùng lặp, quy định ở lĩnh vực này và nó có thể nằm ở lĩnh vực khác là có thể xảy ra”.
Theo ông Sơn, về mặt nguyên tắc, Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về Luật xử lý hành chính, quy định tại khoản 5 điều 2: “Hành vi vi phạm hành chính phải được quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng, phù hợp với tính chất vi phạm của hành vi đó. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực này nhưng do tính chất vi phạm đặc thù của hành vi đó, thì có thể quy định và xử phạt trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực khác”. Vậy là điều đó có thể xảy ra trường hợp mặc dù tuyệt đại đa số các hành vi phạm trong lĩnh vực báo chí xuất bản được nằm trong Nghị định của Chính phủ về lĩnh vực báo chí, nhưng cũng có thể những hành vi thuộc lĩnh vực báo chí có đặc thù ở lĩnh vực khác nên nằm ở nghị định khác. Vì nghị định của Chính phủ là tương đương nhau, trừ trường hợp tương đương nhau nhưng do tính đặc thù làm tăng tính xâm hại của hành vi thì mức phạt có thể tăng lên hoặc giảm đi.
Ông Sơn cho biết: “Về vấn đề thẩm quyền xử phạt là trên cơ sở quy định của luật, các nghị định sẽ quy định cụ thể hóa các chức danh và các cơ quan có thẩm quyền xử phạt”.
Tiếp nối ý kiến của ông Đặng Thanh Sơn, bà Phạm Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính chia sẻ: “Một nguyên tắc xử phạt là căn cứ vào hành vi vi phạm và hậu quả gây ra. Vì vậy, theo tinh thần xây dựng luật cũng như nghị định về cơ bản, hành vi thuộc lĩnh vực “nhà ai thì gửi về nhà đó”.
Tuy nhiên có những hành vi gây hậu quả đặc thù cần phải xem xét kỹ càng. Bà Thoa lấy ví dụ, hành vi hút thuốc lá trong y tế thì bị cảnh cáo, phạt từ 100-300 nghìn, còn hút thuốc lá trong máy bay lại có mức xử phạt cao hơn nhiều.
Bà Thoa phân tích: “Việc đưa tin không trung thực quy định tại Nghị định 159/3013/NĐ-CP chưa rõ, chẳng hạn như đăng phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc minh họa rút tít không phù hợp với nội dung thông tin làm người đọc hiểu sai nội dung... Điều 24, Nghị định 80/2013/NĐ-CP về hành vi giả mạo liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn, hành vi này không ảnh hưởng đến một nhóm mức phạt lên đến 10 đến 30 triệu đồng. Tôi thấy rõ sự đặc thù của điều này".
Nhà báo truy vấn
PV Infonet: Có sự công bằng hay không khi các cơ quan khác vi phạm lĩnh vực báo chí xử phạt rất nhẹ còn cơ quan báo chí vi phạm ở lĩnh vực khác thì bị xử phạt rất nặng, ví dụ như đưa tin sai về giá?
Ông Đặng Thanh Sơn: Thứ nhất, áp dụng pháp luật, Nghị định 81 quy định chi tiết biện pháp thi hành về hành chính. Chính vì nó xuất phát từ tình trạng khái quát hóa hành vi rút gọn Nghị định xử phạt hành chính xuống 50 nghị định nên nhiều hành vi làm sao giảm thiểu, dẫn đến sự chồng chéo hành vi. Mấy trăm hành vi thì xử lý không hề đơn giản. Trong trường hợp như vậy, việc hành vi có bị xử phạt hay không phải căn cứ vào quy phạm quản lý, pháp luật phải quy định như thế nào, hành xử ra sao, trong tình huống nào. Nếu có vi phạm hoặc làm không đúng, hoặc yêu cầu làm mà không làm, lúc đó chúng ta mới tính đến việc xử phạt. Thứ 2, phải căn cứ vào đặc điểm nhu cầu, trật tự quả lý nhà nước trong lĩnh vực đó. Thứ 3, phải đảm bảo vi phạm đó mô tả rõ ràng, cụ thể, xác định được và xử phạt được.
Ở đây có vấn đề xác định yêu cầu trật tự quản lý Nhà nước. Những hành vi xâm phạm phá vỡ trật tự quản lý đó, các nhà làm luật chúng tôi cũng đã có trao đổi. Lĩnh vực báo chí, xuất bản do Bộ TT&TT chủ trì, Bộ Tư pháp phối hợp thẩm định cùng các bộ ngành khác.
Nhà làm luật cho rằng hành vi vi phạm quy định về giá, ví dụ đăng tin, do đặc thù của báo chí sẽ gây ra ảnh hưởng trật tự xã hội lớn hơn, xâm hại nhiều hơn, người ta quy định mức chế tài cao hơn so với đối tượng khác khi họ vi phạm. Bình luận đã hợp lý hay chưa phải căn cứ vào nguyên tắc trong Nghị định 81/2013/NĐ-CP.
PV báo Thanh Niên: Có sự chồng chéo hay không giữa các cơ quan chức năng khi cùng phạt một hành vi vi phạm của báo chí?
Ông Đặng Thanh Sơn: Đặc điểm quản lý hành chính Nhà nước không thể rạch ròi hoàn toàn, trong quản lý Nhà nước có mảng chồng lấn lên nhau. Các Nghị định quy định xử phạt hành chính thuộc khu vực chồng lấn, các cơ quan quản lý Nhà nước đều có thẩm quyền nhất định, như trường hợp quản lý Nhà nước về Y tế liên quan đến quản lý Nhà nước về báo chí. Điều 52 Luật Xử lý Vi phạm Hành chính quy định nguyên tắc xác định quyền xử phạt hành chính, các nhà làm luật đã lường trước tình huống xảy ra. Xử phạt hành chính đa dạng như vậy sẽ xảy ra trường hợp cùng một hành vi vi phạm có 2 đơn vị xử lý. Điều 52, trong trường hợp có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử phạt thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên, cơ quan đó có quyền xử phạt. Không có chuyện 2 cơ quan ngồi bàn với nhau “tôi phạt hay ông phạt”.
PV báo Pháp luật TP.HCM: Quy định về giá, nếu 2 cơ quan báo chí cùng hành vi vi phạm về giá mà lại bị 2 cơ quan khác nhau xử lý thì có công bằng không khi mức xử phạt của Bộ TT&TT chỉ 30 triệu, còn mức Bộ Tài chính có thể xử phạt đến 100 triệu?
Ông Đặng Thanh Sơn thừa nhận nếu hành vi như nhau mà mức xử phạt khác nhau là một bất hợp lý. Ông khẳng định: “Bộ Tư pháp sẽ thường xuyên nhận phản ánh và thực hiện việc rà soát, đánh giá, qua thực tiễn thấy điểm nào chưa có hợp lý sẽ kịp thời tổng hợp, xử lý báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Nếu có cùng hành vi, yếu tố thêm vào không có, tôi cho rằng sẽ phải xem xét kiến nghị cho phù hợp. Nghị định của Chính phủ, thẩm quyền sửa đổi bổ sung thuộc Chính phủ”.
Trước đó, các báo đưa tin, tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP “...Phạt tiền từ trên 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật và buộc cải chính thông tin thống kê sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đã phổ biến”. Nhưng tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn của Chính phủ tại điều 14 cũng quy định: “Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường. Phạt tiền từ 75 - 100 triệu đồng đối với hành vi trên nếu đăng tải phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác”.