Các chuyên gia đánh giá về tác dụng chất khử trùng trong đại dịch Covid-19
Hình ảnh mô phỏng virusSARS-CoV-2. Ảnh: AP. |
Theo đó, nhóm các chuyên gia đến từ một số trường đại học ở Đức và Thụy Sĩ đã tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu về các hướng dẫn hiện hành về kiểm soát sự lây nhiễm dựa trên thành phần hoạt chất liệu có đủ để kiểm soát sự lây lan của chủng virus SARS-CoV-2 (Covid-19) hay không.
Rửa tay là “liều vắc xin tự chế” hữu hiệu, đơn giản và tiết kiệm nhất để phòng chống dịch bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thực hiện. Người dân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ cần xây dựng kỹ năng và thói quen rửa tay bằng xà phòng đúng cách.
Các báo cáo về “hướng dẫn vệ sinh tay để bảo vệ sức khỏe” của WHO cung cấp hai giải pháp dựa trên thành phần cồn để khử trùng tay nhằm giảm sự lây nhiễm và lây lan của mầm bệnh Covid-19. Tuy nhiên, những khuyến nghị này chưa được thử nghiệm trước đây và dựa trên kinh nghiệm với các loại virus khác, chẳng hạn như Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV) và viêm phổi cấp SARS.
“Để đánh giá xem thuốc khử trùng có cồn có hiệu quả trong việc chống lại Covid-19 hay không, chúng tôi đã thử nghiệm nồng độ khác nhau của hai loại thuốc được WHO khuyến cáo, cũng như các giải pháp dựa trên ethanol và isopropanol cho hoạt động diệt virus”, báo cáo cho hay.
Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu cho thấy các dung dịch chứa cồn có hiệu quả trong chống lại virus sau 30 giây với nồng độ tối thiểu của ethanol hoặc isopropanol là 30%. Đồng thời, các chuyên gia nhấn mạnh, virus SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt một cách hiệu quả bởi cả hai hợp chất được WHO khuyến nghị, trong đó hàm lượng cồn cao hơn 75%.
Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, 176 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.
Hôm 11/3, Tổ chức Y tế thế giới chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là “đại dịch toàn cầu”.
WHO cho biết việc tuyên bố đại dịch không liên quan đến sự thay đổi bản chất của căn bệnh nhưng lại liên quan đến những quan ngại về khả năng lây lan về mặt địa lý. Tình trạng đại dịch được xác nhận nếu một căn bệnh mới mà con người chưa có khả năng miễn nhiễm lan rộng ngoài dự kiến của thế giới.