Cả nước chỉ có hơn 500.000 người sử dụng thư viện công cộng
Con số đáng giật mình vừa được TS. Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) công bố tại Hội thảo góp ý cho dự thảo đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến 2030, do Bộ VHTT&DL tổ chức sáng nay, 28/7/2015 ở Hà Nội.
Cũng theo TS. Vũ Dương Thúy Ngà, những năm gần đây, việc đọc sách ít được người dân quan tâm. Xu hướng, thị hiếu đọc có biểu hiện lệch lạc. Nhiều người chưa thực sự quan tâm giáo dục thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa nêu, chẳng hạn: Việt Nam đang chuyển mình từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp, áp lực mưu sinh lớn, nhiều người không có thời gian rảnh để đọc sách; Giáo dục đào tạo trong trường chưa chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp đọc sách, trong khi đó, chương trình học khá nặng, học sinh không có thời gian để đọc; Các trường đại học còn giảng lý thuyết nhiều, thiếu phương pháp để sinh viên tự tìm tài liệu đọc và tự học, tự nghiên cứu; Chính sách đầu tư của nhà nước để tạo điều kiện cho văn hóa đọc còn nhiều điểm bất cập, thiếu đồng bộ; đầu tư cho hoạt động thư viện còn thấp (có thư viện không đủ tiền mua sách)...
Hội thảo góp ý cho đề án phát triển văn hóa đọc Việt Nam vừa diễn ra sáng nay, 28/7/2015, tại Hà Nội. Ảnh: B.M |
"Nếu không có cú hích để văn hóa đọc được khôi phục trở lại, thì việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, xây dựng văn hóa con người Việt Nam phục vụ phát triển bền vững đất nước chỉ là ý tưởng khó thực hiện được", TS. Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.
Để khắc phục những bất cập nêu trên của hiện trạng văn hóa đọc tại Việt Nam, Bộ VHTT&DL đã xây dựng đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến 2030.
Một trong những mục tiêu tổng quát của đề án nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hình thành thói quen và phát triển nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào đọc trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên.
Dự thảo đề án đã chỉ rõ một số con số chỉ tiêu cần đạt được trong năm 2010, gồm: 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại, có ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện. 35% thư viện cấp tỉnh được trang bị ô tô thư viện lưu động. 50% thư viện cấp huyện có trụ sở độc lập, có kinh phí đảm bảo cho các hoạt động. 30% xã có thư viện cấp xã với vốn tài liệu phong phú hơn. 30% thôn, bản có phòng đọc sách của cộng dồng để việc luân chuyển sách và sử dụng sách hiệu quả hơn.
90% trường phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp có thư viện với sách báo phù hợp với cấp độ đào tạo, 60% thư viện trường phổ thông đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT. 30% gia đình có tủ sách. Mức bình quân đạt 0,8 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng. Mức hưởng thụ sách báo trên đầu người dân đạt 6 bản/người dân.
Dự thảo đề án cũng đã xác định rõ vai trò của Bộ TT&TT trong việc phát triển văn hóa đọc. Theo đó, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VHTT&DL tuyên truyền về văn hóa đọc trong nhân dân, giúp người dân thay đổi nhận thức về lợi ích của việc đọc sách và quảng bá về các xuất bản phẩm có giá trị; Định hướng cho các nhà xuất bản nâng cao chất lượng các tác phẩm và tăng cường thêm các sách nói, sách cho người khiếm thị, sách cho người dân tộc thiểu số; Nghiên cứu đề xuất các chính sách tôn vinh tác giả, tác phẩm.